Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng, chống cháy rừng trong mùa khô

08:52, 27/02/2019

Mùa khô năm 2019 đang bước vào thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy rừng ở nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh ở mức cao. Để bảo đảm công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) hiệu quả, các chủ rừng và địa phương có rừng đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để đối phó với “giặc lửa”.

Huyện Ea H’leo là địa phương có diện tích rừng lớn với gần 42.000 ha, trong đó có 30.000 ha rừng trọng điểm dễ xảy ra cháy. Ngay từ đầu mùa khô 2018 - 2019, Kiểm lâm huyện, chủ rừng, các địa phương đã rà soát, khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy; thành lập 12 Ban Chỉ đạo PCCCR cấp xã, 24 ban của các công ty lâm nghiệp; 28 tổ, đội quần chúng nhân dân bảo vệ rừng, phòng cháy rừng ở 140 thôn, buôn gần rừng, ven rừng. Kiểm lâm huyện cũng được trang bị các thiết bị PCCCR như chổi dập lửa, bình C02, máy bơm nước… Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được triển khai đồng bộ nên từ đầu mùa khô đến nay, trên địa bàn chưa để xảy ra cháy rừng. “Tại huyện Ea H’leo, mùa khô bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, nguy cơ cháy rừng thường trực do các nguyên nhân như: đốt nương làm rẫy, săn bắn, khai thác gỗ, đốt lửa lấy mật..., nên việc chủ động lập, triển khai thực hiện các phương án PCCCR luôn được địa phương, chủ rừng quan tâm”, ông Trương Văn Hồng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo cho hay.

Thi công đường băng cản lửa ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.
Thi công đường băng cản lửa ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô.

Còn tại Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, đơn vị được giao quản lý, bảo vệ 59.491,2 ha rừng đặc dụng với địa hình gồm nhiều dãy núi cao, chia cắt, nếu xảy ra cháy sẽ rất khó ngăn chặn. Trong khi đó, vào mùa khô, những cánh rừng tiềm ẩn nguy cơ cháy cao vì lớp thực bì có độ dày từ 5 - 10 cm nên dễ bắt lửa; có 6.011 ha rừng lá kim nằm trong vùng lõi - những loại cây này có nhiều tinh dầu nên nguy cơ cháy xảy ra rất cao. Ngoài ra, vào mùa khô người dân ở những khu vực giáp ranh với Vườn tranh thủ phát dọn, đốt thực bì trên nương rẫy dễ làm lửa cháy lan vào rừng. Tình trạng người dân xâm nhập trái phép vào rừng săn bắn, khai thác các lâm sản phụ sử dụng lửa để hút thuốc, nấu nướng có thể gây ra cháy rừng…, do đó việc triển khai các biện pháp phòng cháy luôn được đơn vị chủ động.

Trong mùa khô này, đơn vị đã tiến hành phát dọn 66 km đường băng cản lửa, làm mới 50 bảng cấm lửa, ký 1.200 bản cam kết phòng cháy không gây cháy rừng với các hộ dân sống gần rừng. Cùng với đó, Vườn đã phân công cán bộ túc trực ngày đêm ở hai chòi canh lửa nằm trong vùng lõi của Vườn để theo dõi, thông tin kịp thời khi có cháy xảy ra; tiến hành xử lý vật liệu cháy ở những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao, đặc biệt là khu vực phân bố loài thông ba lá; tổ chức tuyên truyền công tác PCCCR cho người dân thông qua các cuộc họp thôn, buôn; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát…

Phát dọn đường băn cản lửa ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.
Phát dọn đường băn cản lửa ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin.

Tương tự, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, với đặc trưng rừng có nhiều diện tích là trảng cỏ (khoảng 5.000 ha) nên vào mùa khô rất dễ bắt lửa gây cháy. Bên cạnh đó, lợi dụng thời điểm này, những đối tượng săn bắn thường đốt trảng cỏ để nhử các loài động vật rừng đến ăn các loại khoáng có trong tro vụ cháy, vừa gây nguy hiểm tính mạng của những loài động vật rừng, vừa gây cháy trên diện rộng không thể kiểm soát. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô: "Để “giặc lửa” không gây nguy hại cho rừng, từ đầu mùa khô đơn vị đã mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho công tác PCCCR, đóng biển báo, tổ chức họp dân tuyên truyền về công tác PCCCR; cày 77 ha đường băng cản lửa; cắt cử lực lượng ứng trực ngày đêm; tiến hành đốt có kiểm soát những khu vực có khả năng cháy cao nhằm tránh các đám cháy bùng phát trên diện rộng…".

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 504.000 ha rừng, trong đó hơn 200.000 ha rừng được xác định là khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy trong mùa khô, chủ yếu là rừng khộp, rừng lá kim, rừng hỗn giao và rừng trồng có nhiều vật liệu dễ gây cháy, nhất là các tháng cao điểm của mùa khô (từ tháng 1 đến tháng 4). Để đảm bảo công tác PCCCR hiệu quả, kịp thời, ông Y Sy H’Dơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết đơn vị đã triển khai Kế hoạch số 854-KH-UBND, ngày 29-1-2019 của UBND tỉnh về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng năm 2019 đến các đơn vị trực thuộc, các chủ rừng và địa phương. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chủ rừng, địa phương chủ động xây dựng, triển khai phương án PCCCR; tổ chức kiểm tra công tác PCCCR đối với các chủ rừng và địa phương, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý những đơn vị lơ là đối với công tác này. Cùng với đó, duy trì lực lượng chốt chặn, tuần tra phát hiện cháy rừng ở các địa bàn; tổ chức lực lượng thường trực 24/24h tiếp nhận thông tin cháy rừng khi cảnh báo cháy rừng mức độ IV và V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm); công bố số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và thông tin dự báo cháy rừng thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. …

Toàn tỉnh hiện có 46.349,8 ha rừng có nguy cơ cháy rất cao, tập trung tại các huyện Ea H’leo, Krông Năng, Ea Kar, Lắk; 7.003 ha rừng có nguy cơ cháy cao, chủ yếu ở các huyện Krông Ana, M’Đrắk, Krông Bông và 169.221,9 ha rừng có nguy cơ cháy tập trung ở các huyện Ea Súp, Cư M’gar, Buôn Đôn và TP. Buôn Ma Thuột.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.