Multimedia Đọc Báo in

Điện mặt trời áp mái: Lợi cả đôi đường

08:55, 03/05/2019

Trong bối cảnh hệ thống điện đang chịu nhiều áp lực, việc phát triển năng lượng mặt trời, trong đó có điện mặt trời áp mái là giải pháp vừa mang lại hiệu quả kinh tế cho nhà đầu tư, vừa góp phần giảm sức ép cho ngành Điện.

Điện mặt trời được lắp đặt với quy mô nhỏ trên mái nhà dân, mái tòa nhà thương mại, mái công xưởng, nhà máy... với quy mô vài kW tới 1 MW được gọi là điện mặt trời áp mái (ĐMTAM). Những năm gần đây, giải pháp tự cung cấp điện gắn với công trình xây dựng đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới.

Đối với Đắk Lắk, địa phương có tiềm năng phát triển điện mặt trời rất cao với cường độ bức xạ mặt trời trung bình đạt 5kWh/m2/ngày, tiềm năng phát triển điện mặt trời có thể đạt đến 95 GWh/năm. Đây là nguồn năng lượng tái tạo, không bị cạn kiệt như nguồn năng lượng hóa thạch và ít tác động tiêu cực đến môi trường so với các hình thức sản xuất điện khác.

Lợi ích của ĐMTAM là khách hàng tiết kiệm chi phí tiền điện nhờ giảm mua điện lưới Quốc gia, sản lượng điện không sử dụng hết có thể bán cho ngành Điện với giá cao, có thời gian hưởng lợi lâu dài sau khi thu hồi vốn, đồng thời có tác dụng chống nóng hiệu quả cho nhà ở, công trình xây dựng.

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà Điện lực Nam Buôn Ma Thuột.
Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà Điện lực Nam Buôn Ma Thuột.

Theo tìm hiểu, các tấm pin mặt trời thông thường có công suất khoảng 290 – 350 Wp được thiết kế kiểu panel với diện tích khoảng 2 m2/tấm. Nếu diện tích mái nhà khoảng 20 m2 thì có thể lắp đặt được 10 panel, công suất điện cực đại thu được khoảng 3 kWp, đủ dùng cho các thiết bị điện thông dụng trong gia đình. Suất đầu tư của ĐMTAM dao động từ 15 – 30 triệu đồng/kWp (tùy thuộc chất lượng, tuổi thọ của thiết bị). Với công suất 1 kWp, mỗi ngày sẽ sản xuất được sản lượng điện 5-6 kWh, với số giờ nắng trung bình tại Đắk Lắk là 4,5 – 6 giờ/ngày. Thời gian thu hồi vốn của các công trình ĐMTAM khoảng 10 năm, nếu đầu tư với công suất lớn thì suất đầu tư sẽ giảm và thiết bị đạt hiệu suất lớn, thời gian hoàn vốn là 8 năm.

Trên địa bàn tỉnh, phong trào đầu tư xây dựng ĐMTAM sôi động từ vài năm nay. Đơn cử như công trình của Trường Tiểu học Dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP. Buôn Ma Thuột), đầu tư năm 2018 với tổng chi phí gần 800 triệu đồng, công suất 32 kWp, sản lượng điện đạt khoảng 46.000 kWh/năm. Từ khi sử dụng công trình này, tiền điện phải trả hằng tháng của trường giảm bình quân từ hơn 20 triệu đồng xuống còn 11 triệu đồng. Tương tự, gia đình anh Trần Quốc (đường Y Wang, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTAM công suất 4,8 kWp vào cuối năm 2018 với chi phí 100 triệu đồng, sản lượng điện trung bình đạt 20 – 25 kWh/ngày. Trước đây, tiền điện hằng tháng của gia đình anh luôn ở mức trên 3 triệu đồng/tháng. Từ khi hệ thống đi vào hoạt động, chi phí tiền điện hằng tháng của gia đình giảm được 50%.

Theo hướng dẫn của Tập đoàn Điện lực Việt Nam tại công văn 1532/EVN-KD, ngày 27-3-2019, từ 1-1 đến 31-12-2019, giá mua ĐMTAM (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.134 đồng/kWh. Từ năm 2020 và những năm tiếp theo, giá này được xác định theo từng năm.

Hiện các nhà đầu tư ĐMTAM chủ yếu sử dụng điện mặt trời vào ban ngày, phần không dùng hết thì phát lên lưới bán cho ngành Điện, nhưng vào ban đêm vẫn sử dụng điện lưới. Còn muốn sử dụng ban đêm thì phải đầu tư hệ thống tích điện (ắc -quy ) nhưng thiết bị này có tuổi thọ thấp, dùng 1 – 2 năm phải thay mới, rất tốn kém.

Toàn tỉnh hiện đã có 18 hộ lắp đặt ĐMTAM, tổng công suất 664 kWp, mỗi tháng lượng điện phát ngược lên lưới khoảng 16.000 kWh; bên cạnh đó, 12 khách hàng là tổ chức, doanh nghiệp đã đăng ký và đang triển khai lắp đặt, dự kiến hoàn thành đưa vào vận hành trước 30-6-2019, với tổng công suất 7.958 kWp. Người dân có nhu cầu đầu tư ĐMTAM sẽ được ngành Điện hướng dẫn cụ thể về thủ tục, thỏa thuận vị trí đấu nối công trình và phối hợp xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Khi công trình hoàn thành, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật theo thiết kế, sẽ được nghiệm thu, chủ đầu tư và ngành Điện thực hiện ký hợp đồng mua bán điện, lắp đặt công tơ hai chiều để đo đếm sản lượng tiêu thụ, sản lượng phát lên lưới. Hằng tháng, ngành Điện sẽ ghi nhận sản lượng điện giao nhận.

Anh Hoàng Quốc (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra hệ thống điện mặt trời của gia đình.
Anh Hoàng Quốc (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra hệ thống điện mặt trời của gia đình.

Phát triển ĐMTAM đang là xu hướng phổ biến trong sản xuất các nguồn năng lượng tái tạo và Chính phủ cũng đang khuyến khích hình thức này. Trong bối cảnh giá điện mới được điều chỉnh tăng lên, ĐMTAM sẽ càng có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trước khi đầu tư, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin về chi phí, chất lượng, tuổi thọ thiết bị và hiệu quả công trình vì công suất nguồn năng lượng mặt trời phụ thuộc theo điều kiện thời tiết và một số yếu tố khác.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.