Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp với rượu cần

07:57, 19/05/2019

Hưởng ứng phong trào "thanh niên lập thân, lập nghiệp” phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chàng trai trẻ Y Nay Ayun (thôn Hòa Thành, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) đã bén duyên với mô hình làm rượu cần Êđê.

Với mong muốn ổn định cuộc sống và được ở gần gia đình, ngay sau khi tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh tại một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh (năm 2016), Y Nay đã bỏ ngang công việc đúng chuyên ngành là nhân viên kinh doanh tại một hãng bia trong nước với mức thu nhập khá để về quê lập nghiệp. Cuối năm 2017, trong một lần tình cờ đến thăm người thân ở huyện Krông Búk, được tận mắt thưởng thức và chứng kiến quy trình làm rượu cần Êđê truyền thống của gia đình, Y Nay nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với rượu cần. Nghĩ là làm, song hành với việc học nghề ủ rượu cần, Y Nay đã tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng về những thông tin liên quan đến sản phẩm rượu cần, từ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, đến cách ủ men, cách vận chuyển… Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng cao, đặc biệt là hình thức mua rượu cần làm quà biếu hay sử dụng vào dịp lễ, tết nên đầu năm 2018, Y Nay bắt tay vào làm rượu cần. Sau 3 mẻ rượu (9 ché) liên tục bị chua không uống được thì đến lần thứ 4, rượu đã có mùi thơm và độ ngọt đặc trưng, được các bậc trưởng bối trong xã thừa nhận.

Y Nay thực hiện công đoạn ủ rượu cần.
Y Nay thực hiện công đoạn ủ rượu cần.

Chia sẻ về quy trình làm rượu cần, Y Nay cho biết, rượu cần Êđê có 3 nguyên liệu chính là cây hem, gạo và củ riềng. Để có thể nấu rượu cần, trước tiên phải làm men bằng cách giã nát cây hem, củ riềng để vắt lấy nước; sau đó trộn gạo rang hoặc gạo sống với nước củ riềng, vỏ cây hem và ngâm từ 4 - 5 ngày. Khi thấy men đạt độ chín, sền sệt, thơm nhẹ thì rải một lớp trấu trên lá chuối và đổ nước men vào đậy lại để men khô tự nhiên sau vài ngày. Sau khi có men thì chuyển sang giai đoạn ủ rượu: thổi gạo thành cơm và rải đều để cơm tự nguội; sau đó trộn đều với men và cho vào ché. Nếu thời tiết thuận lợi, thao tác đúng kỹ thuật thì sau 100 ngày là rượu lên men, dậy hương và có thể sử dụng.

Rượu cần là một trong những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên và mang tính định hình văn hóa đặc trưng của người Êđê, nhưng sự du nhập của các thức uống công nghiệp quá mạnh nên rất ít bạn trẻ tìm hiểu về loại thức uống này. Vì thế đa số rượu cần đang thương mại trên thị trường đều do người lớn tuổi sản xuất.

Với tham vọng khởi nghiệp bằng nghề làm rượu nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, Y Nay luôn đặt tiêu chí ngon, sạch, sử dụng nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên với cách ủ gia truyền để tạo nên những ché rượu cần mang vị ngọt tự nhiên truyền thống. Hiện tại, bình quân mỗi tháng Y Nay sản xuất khoảng 60 ché rượu cần các loại theo đơn đặt hàng của người tiêu dùng. Riêng những tháng đón đầu mùa lễ, tết nhu cầu cao hơn nên gia đình sản xuất với số lượng lớn. Để mở rộng quy mô và tiếp cận những đối tác lớn hơn, bên cạnh nâng cao chất lượng, Y Nay còn tham gia gian hàng giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, lên kế hoạch thành lập công ty để đưa sản phẩm đến với nhiều người hơn.

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.