Multimedia Đọc Báo in

Thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng: Cần sự nỗ lực từ nhiều phía

09:58, 18/06/2019

Nhằm đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế và phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg, về việc “Phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội”.

Theo đó, mục tiêu đặt ra của Chính phủ là phấn đấu đến năm 2020, dịch vụ thu ngân sách có 80% giao dịch nộp thuế tại các thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh thực hiện qua ngân hàng; 100% Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Kho bạc Nhà nước quận, thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thiết bị chấp nhận thẻ ngân hàng phục vụ việc thu ngân sách nhà nước; 70% công ty điện lực chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng; tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phấn đấu 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng; 70% công ty cấp nước chấp nhận thanh toán hóa đơn tiền nước qua ngân hàng; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng; 100% trường đại học, cao đẳng chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và 80% số sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng nộp học phí qua ngân hàng; phấn đấu 50% bệnh viện tại các thành phố lớn chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng. Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, phấn đấu 20% số tiền chi trả an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.

Đại diện Agribank Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại Hội nghị thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng,  do Công ty Điện lực Đắk Lắk tổ chức vào ngày 14-6-2019.
Đại diện Agribank Đắk Lắk phát biểu thảo luận tại Hội nghị thanh toán hóa đơn tiền điện qua ngân hàng, do Công ty Điện lực Đắk Lắk tổ chức vào ngày 14-6-2019.

Trên địa bàn tỉnh, mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đắk Lắk đã thực hiện khảo sát, nắm bắt tình hình thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công tại 12 đơn vị. Theo đó hiện đã có 51,5% số người nộp thuế qua ngân hàng; chi trả an sinh xã hội 30,4%; học phí 27%; điện 16,7%; cước viễn thông 10,6%; nước 5,8%; viện phí 0,23% thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Từ mục tiêu đặt ra của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 241/QĐ-TTg, với kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cho thấy, tỷ lệ khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt đối với một số dịch vụ công còn ở mức thấp.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do công tác thông tin tuyên truyền và thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác để làm thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt trong công chúng chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả, nên số lượng khách hàng tham gia thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng còn rất thấp so với số khách hàng đã mở tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, Agribank Đắk Lắk là đơn vị sớm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đối với các dịch vụ công: thanh toán hóa đơn tiền điện, nước, viễn thông; thu học phí học sinh, sinh viên qua hệ thống thanh toán của ngân hàng… Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa tương xứng với hạ tầng kỹ thuật công nghệ và mạng lưới (27 chi nhánh, phòng giao dịch) của đơn vị này.

Từ kết quả nêu trên, để góp phần thực hiện đạt mục tiêu thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng mà Chính phủ đã đề ra, đòi hỏi các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh như: ngành Ngân hàng (vai trò cung cấp dịch vụ thanh toán); các đơn vị đóng vai trò cung ứng dịch vụ công như: Cục Thuế tỉnh, Điện lực Đắk Lắk, Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng, Viễn thông Đắk Lắk, bệnh viện, trường học, Bảo hiểm Xã hội... phải  đẩy mạnh hơn nữa thanh toán dịch vụ qua ngân hàng. Trong đó, ngành Ngân hàng phải tiên phong đi đầu trong việc cung ứng các dịch vụ ngân hàng điện tử tiện ích, đáp ứng nhu cầu thanh toán của cộng đồng dân cư một cách nhanh chóng, an toàn, tiện lợi.

Cụ thể, ngân hàng thương mại cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị cung ứng dịch vụ công trên địa bàn để thu thuế, học phí, viện phí, tiền điện, tiền nước... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; ưu tiên các giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ, mã phản hồi nhanh (QR Code); triển khai lắp đặt thiết bị POS, mPOS; ứng dụng phương thức thanh toán điện tử tiên tiến đối với các đơn vị hành chính, sự nghiệp công để thực hiện việc thu phí, lệ phí các thủ tục hành chính, dịch vụ công, y tế, giáo dục, giao thông và các dịch vụ công khác.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng triển khai việc trả lương, thu nhập qua tài khoản; có các biện pháp vận động, khuyến khích để cán bộ, người lao động tăng cường sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản (thực hiện chuyển khoản trực tiếp trên máy ATM, sử dụng thanh toán qua POS, sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại khác). Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền và thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khác; Chủ động tổ chức triển khai các chương trình truyền thông, giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội.

Tuy nhiên, từ thực tế triển khai cung cấp dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng cho thấy, để góp phần thực hiện đạt mục tiêu mà QĐ 241/QĐ-TTg  của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra thì chỉ riêng sự nỗ lực của ngành ngân hàng là chưa đủ, mà đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn và sự vào cuộc tích cực của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh. Về phía chính quyền, cần tăng cường chỉ đạo triển khai, cùng với đó, cần có cơ chế biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các ngân hàng, đơn vị cung ứng dịch vụ công tích cực triển khai thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng.

Theo thống kê từ Phòng dịch vụ và Marketing Agribank Đắk Lắk, đến ngày 31-5-2019 tại đơn vị này có 19.412 khách hàng đăng ký thực hiện thanh toán hóa đơn tiền điện, chiếm tỷ trọng 11% khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng này. Dịch vụ thanh toán hóa đơn cước viễn thông, có 4.658 khách hàng đăng ký thực hiện thanh toán, chiếm tỷ trọng 2,6% khách hàng mở tài khoản. Dịch vụ thanh toán hóa đơn tiền nước, có 1.400 khách hàng đăng ký thực hiện thanh toán, chiếm tỷ trọng 0,8% khách hàng mở tài khoản…

Phan Quốc Lương


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.