Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện nâng mức cho vay tối đa: Thêm nguồn lực từ tín dụng chính sách

09:15, 19/06/2019

Từ ngày 1-3-2019, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện việc nâng mức cho vay và thời hạn vay tối đa đối với một số chương trình. Điều này đã tạo điều kiện mở rộng phát triển kinh tế và tăng cơ hội cho người nghèo, đối tượng chính sách thoát nghèo một cách bền vững.

Theo Quyết định số 12/QĐ-HĐQT và Công văn 866/NHCS-TDNN, ngày 22-2-2019 của Hội đồng quản trị NHCSXH về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng mức vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng, không phải có tài sản bảo đảm tiền vay; nâng thời hạn cho vay tối đa từ 60 tháng lên 120 tháng để phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển của các đối tượng đầu tư lâu dài. Cụ thể, quy định này được áp dụng với Chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo và Chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk và đại diện tổ vay vốn kiểm tra hồ sơ vốn của khách hàng.
Cán bộ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Lắk và đại diện tổ vay vốn kiểm tra hồ sơ vốn của khách hàng.

Ngay sau khi có Quyết định số 12, Công văn số 866, Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk đã phối hợp với Ban đại diện Hội đồng quản trị, UBND các địa phương triển khai đến xã, phường, thị trấn, tổ vay vốn và các thôn, buôn; tổ chức tuyên truyền về việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với các chương trình tín dụng nêu trên để nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách biết để tham gia vay vốn; niêm yết công khai các văn bản liên quan tại tất cả các điểm giao dịch xã để thực hiện đúng quy định và đạt hiệu quả cao.

Đơn cử như tại huyện Lắk, Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã chủ động tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện ban hành công văn chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể, tổ vay vốn tăng cường phối hợp với phòng giao dịch trong công tác rà soát các hộ đủ điều kiện, có nhu cầu vay mới hoặc vay bổ sung để xét duyệt cho vay, tạo điều kiện tối đa cho các hộ vay làm thủ tục giải ngân nhanh chóng. Hiện toàn huyện có 13.949 khách hàng vay vốn từ NHCSXH, với tổng dư nợ 332,6 tỷ đồng.

Riêng từ đầu năm đến nay, có 2.092 khách hàng được vay vốn, tổng số tiền hơn 76 tỷ đồng, trong đó có 5 hộ được vay mức 60 triệu đồng và 1 hộ vay 70 triệu đồng, thời gian vay từ 5 – 10 năm. Chẳng hạn, bà Vũ Thị Hiền (thôn Thái, xã Bông Krang) được vay 60 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 12 của NHCSXH. Bà Hiền cho biết, trước đây gia đình bà chỉ vay được 30 triệu đồng để nuôi bò sinh sản, nhưng vốn ít nên không thể đầu tư chuồng trại bài bản. Số vốn mới được thụ hưởng là con số đáng kể so với điều kiện gia đình, bà sẽ sử dụng để cải tạo vườn, chăm sóc cà phê và phát triển chăn nuôi vịt để tăng thu nhập.

Bà Vũ Thị Hiền sử dụng vốn vay NHCSXH để phát triển chăn nuôi vịt.
Bà Vũ Thị Hiền sử dụng vốn vay NHCSXH để phát triển chăn nuôi vịt.

Toàn tỉnh hiện có 17 khách hàng tại huyện Lắk, Buôn Đôn và Ea Kar được vay vốn theo Quyết định số 12 của NHCSXH, với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Đa số các hộ vay vốn này sử dụng vốn để chăm sóc cà phê, tiêu, chăn nuôi bò sinh sản và trồng cây ăn quả. Theo Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH Đắk Lắk Nguyễn Minh Hướng, việc nâng mức vay tối đa góp phần tăng thêm nguồn lực cho các hộ thụ hưởng, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó cũng nâng cao hiệu quả của hoạt động tín dụng chính sách.

Tuy nhiên, nguồn vốn được phân bổ ít, trong khi nhu cầu khách hàng rất lớn, trong đó có khoảng gần 20.000 hộ nghèo, cận nghèo chưa được tiếp cận vốn ưu đãi. Do đó, Chi nhánh đã chỉ đạo cán bộ tín dụng căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay, chu kỳ sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ của hộ vay để xác định mức, thời hạn cho vay đối với từng hộ vay một cách chính xác, khách quan; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể để cho vay phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và từng khách hàng; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giám sát trước, trong và kiểm tra sau khi cho vay, bảo đảm việc cho vay đúng đối tượng, hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 202.276 hộ vay vốn NHCSXH, tổng dự nợ 4.611 tỷ đồng. Trong đó, một số chương trình có dư nợ lớn là cho vay hộ nghèo: 1.334 tỷ đồng, hộ cận nghèo: gần 883 tỷ đồng, cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn: hơn 687 tỷ đồng…

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.