Multimedia Đọc Báo in

Biến phế phẩm nông nghiệp thành thức ăn cho bò

09:03, 11/12/2019

Lâu nay nhiều người vẫn thường vứt bỏ các phế phẩm nông nghiệp như: lá, thân đọt cây sắn, ngô, đậu… hoặc chỉ tận dụng thân cây sắn làm hom trồng cho vụ sau. Tuy nhiên, đối với anh Nguyễn Minh Cương (ở thôn 8, Hòa Sơn, huyện Krông Bông) thì phần phế phẩm này lại là nguyên liệu chính dùng để chế biến thức ăn cho bò sinh sản và bò vỗ béo của gia đình.

Việc tận dụng phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò được anh Cương học hỏi từ cán bộ, giảng viên ngành chăn nuôi, thú y Trường Đại học Tây Nguyên. Theo đó, anh lấy phần phế phẩm của sắn, ngô, đậu mà người dân bỏ đi mang về đưa vào máy băm nhỏ rồi tiến hành ủ chua làm thức ăn cho đàn bò 17 con nuôi để vỗ béo và sinh sản.

Thông thường cứ 1 tấn thân đọt cây sắn hoặc ngô băm nhỏ được anh trộn đều với 20 kg cám gạo và 5 kg muối, sau đó cho vào bao tải lớn có lớp nilông ở bên trong cột thật chặt miệng bao theo dạng yếm khí; sau khoảng 21 ngày thì có thể dùng làm thức ăn cho trâu, bò. Sau khi ủ thành phẩm, 1 kg phế thải có hàm lượng dinh dưỡng tương đương với 3 kg cỏ lại thơm ngon nên trâu, bò đều ưa thích. Thời gian sử dụng có thể từ 1 – 2 năm.

Nguồn phế phẩm nông nghiệp được anh Cương tận dụng để làm thức ăn cho bò.
Nguồn phế phẩm nông nghiệp được anh Cương tận dụng để làm thức ăn cho bò.

Anh Cương đã áp dụng phương pháp này trong nuôi bò đã được 6 tháng và đàn bò của gia đình phát triển hơn so với trước đây. Theo anh Cương, cách làm này vừa tận dụng được công lao động vừa tiết kiệm được nhiều chi phí trong chăn nuôi nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thiết nghĩ, cách làm của gia đình anh Cương rất cần được nhân rộng không chỉ ở Hòa Sơn mà cả các địa phương khác trong tỉnh. Bởi với diện tích lớn trồng lúa nước, ngô lai, sắn và các loại cây họ đậu… trên địa bàn tỉnh, nếu tận dụng được nguồn phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu bò như mô hình của gia đình anh Cương thì sẽ là triển vọng rất lớn cho việc phát triển chăn nuôi ở địa phương.

Mộng Linh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.