Multimedia Đọc Báo in

Khát vọng Buôn Ma Thuột

07:07, 27/01/2020

Trải qua 115 năm hình thành và phát triển, Buôn Ma Thuột đang vươn mình trở thành một đô thị giữ vai trò quan trọng của vùng Tây Nguyên. Tuy nhiên, làm sao để cho Buôn Ma Thuột xứng tầm với một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng đang là “bài toán” khó… 

Từ một buôn của đồng bào Êđê Kpă với khoảng 50 ngôi nhà dài vào những năm cuối thế kỷ XIX, đến nay Buôn Ma Thuột đã có trên 375 nghìn dân với 40 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 15%.

Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Buôn Ma Thuột đã không ngừng phát triển lớn mạnh, đóng vai trò quan trọng về nhiều mặt đối với cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. Từ đô thị loại IV năm 1975, Buôn Ma Thuột đã phát triển thành đô thị loại III năm 1995, loại II năm 2005 và được công nhận loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2010.

Cũng từ năm 2010, sau khi có Kết luận 60-KL/TW của Bộ Chính trị, Buôn Ma Thuột đã có những bước tiến vượt bậc, từng bước hiện thực mục tiêu trở thành đô thị trung tâm vùng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sự phát triển của Buôn Ma Thuột vẫn chưa tạo được sự đột phá, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế để tạo điều kiện phát triển, giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Tây Nguyên với các vùng trong cả nước và khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia...

Ngã Sáu Buôn Ma Thuột.
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột.

Theo PGS.TS. Trần Đình Thiên (chuyên gia kinh tế, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam), để thực hiện được chức năng là trung tâm của vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột phải trở thành trung tâm liên kết - hội nhập, trung tâm nghiên cứu - phát triển, đổi mới - sáng tạo của vùng, với những sản phẩm thế mạnh đặc sắc.

Tuy nhiên, sự quan tâm đầu tư hiện nay vẫn chưa đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của đô thị này. Vì thế, phát triển Buôn Ma Thuột theo hướng hiện đại, hội nhập sâu, kết nối rộng không chỉ là chiến lược ưu tiên hàng đầu của Đắk Lắk mà còn là nhiệm vụ của cả vùng cũng như quốc gia. 

Cùng trăn trở với chiến lược phát triển Buôn Ma Thuột trở thành một đô thị trung tâm vùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trong buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk mới đây đã khẳng định: Vai trò, vị thế của Buôn Ma Thuột đã được khẳng định qua lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất nước nhà. Đây cũng là đô thị trực thuộc tỉnh hiếm hoi có được Kết luận của Bộ Chính trị, cho thấy Trung ương đặc biệt quan tâm đối với yêu cầu phát triển Buôn Ma Thuột. 

Vì vậy, để giải bài toán tầm nhìn cho TP. Buôn Ma Thuột, cần có cái nhìn đúng đắn về tầm quan trọng của việc phát triển vùng Tây Nguyên.  Trên cơ sở đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng cơ sở cho thành phố ngang tầm thủ phủ vùng, nhất là hạ tầng giao thông. 

Một góc đô thị TP. Buôn Ma Thuột.
Một góc đô thị TP. Buôn Ma Thuột.

Một đô thị xanh về cảnh quan, phát triển năng động và giàu bản sắc chắc chắn đối với Buôn Ma Thuột không phải là mục tiêu xa vời. Bởi với những vùng sinh thái đặc thù bao bọc quanh thành phố, Buôn Ma Thuột có đầy đủ tiềm năng và nền tảng. Vấn đề đặt ra là cần có những quyết sách, chiến lược mang tính đột phá, cùng sự chung tay góp sức của cả cộng đồng để Buôn Ma Thuột vững vàng phát triển, hội nhập, xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.

Điều này thể hiện rõ trong những chỉ đạo quyết liệt, xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi làm với tỉnh Đắk  Lắk: “Đại ngàn” chính là điểm tạo nên sự khác biệt, đặc sắc của Đắk Lắk, của Buôn Ma Thuột. Đó không chỉ là rừng mà còn là bản sắc văn hóa làm nên linh hồn cho đô thị ở cao nguyên này. Đấy chính là thế mạnh cần phải biết tận dụng trong chiến lược phát triển dài hơi, bền vững cho Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. 

Đường tránh phía Tây TP. Buôn Ma Thuột.
Đường tránh phía Tây TP. Buôn Ma Thuột.

“Giữ được “đại ngàn” là thách thức nhưng cũng là lợi ích to lớn cần sự quan tâm của Trung ương cũng như quyết tâm của chính quyền địa phương các cấp và sự chung tay của cả cộng đồng” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý.

Xây dựng Buôn Ma Thuột dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường

 Mục tiêu đến năm 2030, Buôn Ma Thuột sẽ trở thành đô thị xanh, sinh thái, thông minh, bản sắc, nơi người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, thuộc nhóm địa phương dẫn đầu vùng Tây Nguyên và khá của cả nước; đến năm 2045 là một trong những đô thị trung tâm của cả nước và khu vực các nước tiểu vùng sông Mekong.

Tại buổi làm việc mới đây với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đây là khát vọng lớn lao cần sự quyết tâm mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền cũng như người dân Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Chính phủ thống nhất, đồng tình và tôn trọng quan điểm xây dựng Buôn Ma Thuột dựa trên 3 trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường, trong đó đặc biệt quan tâm đến quy hoạch, tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển Buôn Ma Thuột gắn với việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa để Buôn Ma Thuột thực sự mang bản sắc đặc trưng của cao nguyên đại ngàn...


Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.