Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để "khơi thông" gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng?

05:26, 06/05/2020

Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tích cực triển khai gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng với lãi suất thấp hơn thị trường.

Thế nhưng, việc triển khai gói tín dụng này trong thực tế đang khá chậm khiến khách hàng, doanh nghiệp tỏ ra không hài lòng.

Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, NHNN chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng. Các ngân hàng thương mại cũng cần kịp thời áp dụng biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí…

Trong mùa dịch
 Công ty Cổ phần Thép Đông Nam Á đẩy mạnh sản xuất. Ảnh: Hữu Hùng

Khi được hỏi về việc triển khai gói tín dụng này, đại diện một số tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đều khẳng định đơn vị mình đang tích cực triển khai thông qua việc rà soát mức độ thiệt hại và tùy nhóm đối tượng khách hàng, tùy tính chất rủi ro của từng doanh nghiệp mà có mức hỗ trợ, ưu đãi lãi suất khác nhau. Thế nhưng về kết quả triển khai, đa phần chỉ mới dừng lại ở khâu rà soát thiệt hại, còn việc xử lý hỗ trợ khách hàng chưa thể thực hiện được một cách quyết liệt.

Về nguyên nhân, trước hết xuất phát từ bản chất của gói tín dụng này. Bởi số tiền 250 nghìn tỷ đồng là tổng những gói mà các tổ chức tín dụng đã cam kết để cho vay mới với mức lãi suất thấp hơn, ưu đãi hơn (từ 0,5 - 1,5%/năm) so với tín dụng thông thường. Do đó, nguồn vốn chính của các gói này không phải nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, không phải là vốn vay ưu đãi như nhiều người lầm tưởng. Vì vậy, cơ chế, quy trình cho vay về cơ bản giống như cho vay thương mại thông thường, chỉ khác biệt là thủ tục có thể sẽ nhanh gọn, linh hoạt hơn, lãi suất ưu đãi hơn và tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên, những lĩnh vực chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Quan trọng nhất, các tổ chức tín dụng phải rà soát, cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hoãn nợ, xem xét miễn giảm lãi vay và không chuyển nhóm thành nợ xấu trong thời hạn nhất định đối với những khoản nợ hiện tại bị tác động bởi dịch Covid-19, như vậy mới có thể cho vay mới tiếp được. Thế nhưng đến nay NHNN vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể nào về vấn đề này để các tổ chức tín dụng thực hiện, nhất là căn cứ để chứng minh thiệt hại của khách hàng để không chuyển nhóm thành nợ xấu đối với những khoản nợ hiện tại bị tác động bởi dịch Covid-19.

Theo lãnh đạo các tổ chức tín dụng, nếu chỉ với xác nhận của chính quyền địa phương như quy định hiện tại thì chưa  đủ căn cứ để chứng minh thiệt hại của khách hàng có phải do tác động của dịch Covid-19 hay không. Do đó hầu hết các ngân hàng đều “sợ sai” nên không dễ khai thông nguồn vốn vào thời điểm này.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu tín dụng của người dân và doanh nghiệp, cần có hướng dẫn cụ thể hơn, bảo đảm tính pháp lý nhất quán từ phía NHNN giúp các tổ chức tín dụng yên tâm triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.