Multimedia Đọc Báo in

Đìu hiu "làng cá Ea Kao"

09:18, 28/06/2020

Được biết đến là vùng nuôi cá thương phẩm trọng điểm của tỉnh, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân, thế nhưng những năm gần đây, “làng cá Ea Kao”, TP. Buôn Ma Thuột đang trở nên khá trầm lắng. Nhiều hộ dân phải lấp ao, bỏ nghề sau những vụ nuôi thua lỗ triền miên.

Nhờ có lợi thế về nguồn nước ngầm dồi dào, cộng với hai nhánh kênh thủy lợi dẫn từ đầu nguồn là hồ Ea Kao, người dân xã Ea Kao đã phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung, hình thành nên thương hiệu “làng cá Ea Kao”. Khoảng 4 năm trở về trước, nghề nuôi cá ở Ea Kao khá sôi nổi, có thời điểm toàn xã có đến gần 500 hộ nuôi cá, xấp xỉ 200 ha diện tích ao hồ với đủ các loại cá trắm, chép, trôi, mè, lăng, chẽm.... Thế nhưng, những năm gần đây, số hộ nuôi cá đang giảm mạnh, diện tích ao, hồ cũng thu hẹp. Thời điểm này, theo thống kê của UBND xã Ea Kao thì trên địa bàn chỉ còn khoảng 150 hộ nuôi cá thương phẩm trên tổng diện tích 78 ha.

Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Ea Kao.
Người dân nuôi cá lồng bè trên lòng hồ Ea Kao.

Gia đình ông Lê Thế Linh ở thôn 4, xã Ea Kao làm nghề nuôi cá thương phẩm từ hơn 15 năm nay. Trước đây, với 5 ao (diện tích mặt nước 1.200 m2/ao) ông chia đều nuôi đủ các loại cá như trắm, trôi, mè, chép, diêu hồng... Thế nhưng từ năm 2016 trở lại đây, các loại cá truyền thống nói trên bán ra rất chậm, thậm chí có thời gian không ai mua nên ông Linh đã chuyển sang nuôi cá rô phi. Mặc dù giá bán loại cá này chỉ 30.000 - 33.000 đồng/kg nhưng tư thương vẫn đến mua để đưa đi các chợ trong tỉnh. Cứ 2 năm ông xuất bán 3 lứa cá với sản lượng bình quân khoảng 9 tấn/lứa, trừ chi phí chỉ lãi 30 triệu đồng/năm.

Còn những hộ nuôi cá với diện tích ít như gia đình ông Trần Văn Huy ở thôn 1, thì những năm gần đây đang lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Ông Huy kể: Năm 2014, thấy nhiều hộ trong xã nuôi cá cho thu nhập cao nên ông cũng đầu tư gần 200 triệu đồng để thuê máy đào 860 m2 ao. Mặc dù ao nằm ở khu vực không thuận lợi về nguồn nước lưu thông, chỉ tích được nước nuôi cá vào mùa mưa ông vẫn thu lãi được 50 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, liên tiếp 4 năm trở lại đây, do cá không bán được, gia đình ông không có thu, thậm chí còn phải bù lỗ gần 20 triệu đồng/năm để mua thức ăn cho cá. Cầm cự mãi chẳng được, cuối năm 2019, gia đình ông đành thuê người lấp ao với giá 86 triệu đồng để chuyển sang trồng rau, nuôi gà.

Theo ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, do nhiều nguyên nhân khách quan như chi phí đầu tư cá giống, thức ăn chăn nuôi tăng cao, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, trong khi thị trường đầu ra của cá thương phẩm khó và giảm mạnh, tư thương ép giá… nên những năm gần đây, nghề nuôi cá ở Ea Kao khá trầm lắng.

Một buổi hội thảo đầu bờ mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở xã Ea Kao.
Một buổi hội thảo đầu bờ mô hình nuôi cá rô đầu vuông ở xã Ea Kao.

Trước thực tế đó, hằng năm, Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền xã Ea Kao tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi thủy sản cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn cách phòng ngừa dịch bệnh trên ao cá; triển khai các mô hình, hội thảo đầu bờ về nuôi các giống cá mới, cho năng suất, sản lượng cao và được thị trường ưa chuộng nhằm đa dạng hóa đàn vật nuôi, tránh tình trạng tập trung vào một loại cá dễ bị bão hòa và rớt giá.

Triển vọng nuôi cá rô phi theo chuỗi phát triển VietGAP

Ông Trịnh Bá Sơn, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết, đầu năm 2019, Chi cục đã triển khai dự án nuôi cá rô phi theo chuỗi phát triển VietGAP cho 10 hộ dân trong tỉnh (riêng xã Ea Kao có 5 hộ tham gia). Theo đó, dự án do Công ty TNHH MTV An Trang (địa chỉ tại xã Ea Kao) làm chủ đầu tư, quy mô 1.000 m2 ao/hộ, hỗ trợ 70% cá rô phi giống (tương đương 8.000 con), 50% lượng thức ăn chăn nuôi/lứa, đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cá thương phẩm cho người dân. Qua đánh giá nghiệm thu lứa đầu, cá phát triển ổn định, đạt hơn 4 tấn cá thịt/mô hình với mức lợi nhuận trên 20 triệu đồng.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.