Multimedia Đọc Báo in

Gỡ khó trong sản xuất lúa hữu cơ

06:27, 07/12/2020

Mỗi năm Đắk Lắk canh tác 100 nghìn héc-ta lúa nước, sản lượng thu được hơn 650 nghìn tấn. Nhiều vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh (các huyện: Lắk, Krông Ana, Ea Kar, Ea Súp…) đã có những liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa gạo, góp phần gia tăng sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất lúa nước tại Đắk Lắk hiện vẫn chủ yếu dựa trên cơ sở hóa học là chính. Dù năng suất lúa được nâng cao song sự lạm dụng các sản phẩm hóa học dẫn đến nhiều hệ lụy như: Đất đai bị thoái hóa, kém đa dạng sinh học; nghèo vi sinh vật có ích; số lượng vi sinh vật gây bệnh hại cho lúa ngày càng cao; độ mùn thấp, không có cấu tượng, yếm khí… dẫn đến việc quản lý dịch hại ngày càng kém hiệu quả; chất lượng sản phẩm gạo bị ảnh hưởng (không an toàn); hiệu quả kinh tế thấp, sản xuất không bền vững.

Đã có những cơ sở thuận lợi

Thời gian qua, nông dân sản xuất lúa đã làm quen với các biện pháp trong Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM (đã được triển khai từ năm 1995 đến nay).

Nông dân sản xuất lúa ở Đắk Lắk đã dần vận dụng các yếu tố liên quan trong hệ sinh thái (cây lúa – dinh dưỡng – sâu bệnh hại – thiên địch…) để điều khiển, quản lý dịch hại trên cơ sở sử dụng tất cả những kỹ thuật tác động thích hợp, vừa giữ cân bằng sinh thái, vừa quản lý sâu bệnh dưới ngưỡng phòng trừ nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc hóa học trên ruộng lúa mà vẫn bảo đảm năng suất.

Mặt khác, công nghệ sinh học đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng. Phân bón hữu cơ sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh chức năng, các chế phẩm xử lý môi trường đất, nước và nhiều chế phẩm vi sinh, thuốc thảo mộc… đã được đầu tư sản xuất, hiện tại có thể thay thế thuốc hóa học trong bảo vệ thực vật đối với cây lúa.

Đặc biệt, nhận thức của người tiêu dùng hiện nay về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe ngày càng cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn quy chuẩn đang dần được hoàn thiện, tạo điều kiện cho hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ phát triển.

Nông dân thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría (huyện Lắk) chăm sóc lúa hữu cơ. Ảnh: Duy Tiến
Nông dân thôn Liên Kết 2, xã Buôn Tría (huyện Lắk) chăm sóc lúa hữu cơ. Ảnh: Duy Tiến

Thời gian qua, Chính phủ đã có chủ trương và chính sách hỗ trợ bước đầu các chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tháng 10-2018, Sở NN- PTNT đã ban hành công văn về việc triển khai Nghị định số 109/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ.

Theo đó, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí, xác định các vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ thông qua việc điều tra cơ bản, khảo sát địa hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí và hỗ trợ một lần 100% chi phí cấp Giấy chứng nhận sản phẩm phù hợp tiêu chuẩn Việt Nam về nông nghiệp hữu cơ do tổ chức chứng nhận cấp (cấp lần đầu hoặc cấp lại).

Ngoài ra còn hỗ trợ đào tạo, tập huấn sản xuất hữu cơ, định mức hỗ trợ thực hiện theo quy định của Chính phủ về khuyến nông. Để có cơ sở cho định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại các tỉnh Tây Nguyên, vào tháng 10-2019, Bộ NN-PTNT đã tổ chức Hội nghị phổ biến cơ chế chính sách về nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và định hướng phát triển tại các tỉnh Tây Nguyên với nhiều giải pháp trong định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Tây Nguyên.

Tháo gỡ khó khăn trong sản xuất lúa hữu cơ

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn khi chuyển đổi từ thâm canh lúa dựa trên cơ sở hóa học sang hướng hữu cơ. Bởi sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Nhiều nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh; thị trường tiêu thụ không được cam kết; quy trình sản xuất yêu cầu khắt khe, cần thời gian dài để cải tạo đất, tạo nguồn nước tưới đáp ứng yêu cầu về chất lượng, chi phí sản xuất cao mà năng suất nói chung là thấp…

Khó khăn lớn nhất là sản xuất lúa hiện vẫn manh mún, không tập trung diện rộng nên khó khăn trong việc áp dụng cơ giới hóa và công nghệ sinh học, hạn chế trong kiểm soát sâu bệnh; trong khi đó, điều kiện khí hậu nóng ẩm của địa phương, nhất là vào vụ hè thu, rất thuận lợi cho nhiều loài sâu bệnh phát triển và gây hại trên lúa. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn bước đầu còn chưa hợp lý trong thực tế; cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ bước đầu chưa đầy đủ; hệ thống tổ chức chứng nhận hữu cơ cũng chưa mạnh.

Ruộng lúa canh tác theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.
Ruộng lúa canh tác theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột.

Để giải quyết những khó khăn trong sản xuất lúa hữu cơ, thiết nghĩ Nhà nước cần quan tâm hơn trong việc khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh sản phẩm vật tư như: phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học...

Tuyên truyền về vai trò của việc ứng dụng công nghệ sinh học nhằm khai thác tối đa nguồn phân chuồng, phân xanh, phế phụ phẩm nông nghiệp cũng như các nguồn hữu cơ khác bảo đảm cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa. Cùng với đó là vận động nông dân nên lựa chọn những giống lúa gạo thích nghi với điều kiện canh tác của địa phương, dễ sản xuất theo quy trình hữu cơ mà có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường sử dụng. Đồng thời, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật có kiến thức sâu về nông nghiệp hữu cơ; lựa chọn, áp dụng một số biện pháp trong quản lý dịch hại tổng hợp IPM của FAO phục vụ cho sản xuất lúa hữu cơ...

Cùng với đó, cần tăng cường hỗ trợ các hoạt động xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ địa phương để đẩy mạnh liên kết “bốn nhà” trong sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Quan tâm nhiều hơn trong hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá, chỉnh sửa và tiếp tục ban hành các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ tại địa phương.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.