Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Kiết (huyện Cư M'gar): Nông dân liên kết với doanh nghiệp chế biến cà phê ướt

08:55, 11/01/2021

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) đã chủ động tái canh cà phê; đồng thời liên kết với các công ty, doanh nghiệp chế biến cà phê theo công nghệ ướt. Qua đó, chất lượng và giá trị sản phẩm đã được nâng lên đáng kể.

Xã Ea Kiết là một trong những vùng trọng điểm cà phê của huyện Cư M’gar, với tổng diện tích lên đến hơn 4.100 ha, tổng sản lượng đạt hơn 10.200 tấn/năm (chiếm hơn 12,5% tổng sản lượng toàn huyện). Công nghệ chế biến cà phê ướt được nông dân xã Ea Kiết áp dụng từ năm 2015 đến nay. Hiện toàn xã có khoảng 30 hộ dân áp dụng công nghệ này, với quy mô mỗi hộ từ 1 - 2 ha, chủ yếu tập trung tại thôn 9. Đây cũng là địa bàn có năng suất, sản lượng cà phê nằm trong “top” đầu của xã Ea Kiết, năng suất ước đạt bình quân 3 tấn/ha, trong khi đó năng suất bình quân chung của địa phương chỉ đạt 2,5 tấn/ha và huyện Cư M’gar đạt gần 2,3 tấn/ha…

Vườn cà phê của gia đình ông Trần Thanh Sơn (bên phải) ở thôn 9, xã Ea Kiết.
Vườn cà phê của gia đình ông Trần Thanh Sơn (bên phải) ở thôn 9, xã Ea Kiết.
Việc các hộ dân tiên phong liên kết chế biến cà phê ướt không chỉ góp phần sản xuất cà phê theo hướng bền vững, tăng thu nhập cho gia đình mà còn giúp các doanh nghiệp có được sản phẩm chất lượng, có giá trị cao, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Các hộ dân chế biến cà phê ướt đều liên kết với các doanh nghiệp và được bao tiêu sản phẩm. Quy trình chế biến cà phê ướt đòi hỏi cà phê phải được hái khi tỷ lệ quả chín đạt 80% trở lên. Bên cạnh đó, người dân phải đầu tư máy chế biến cà phê quả tươi để bóc vỏ cà phê chín ra một bên và quả xanh, tạp chất sẽ được loại ra một bên khác. Khi phơi phải tránh tiếp xúc với đất, nước mưa… vì sẽ làm mất mùi vị tự nhiên. Đặc biệt, một số hộ còn đầu tư nhà kính để phơi và chế biến cà phê sạch… Nhìn chung, các hộ dân áp dụng công nghệ chế biến cà phê ướt năng suất, chất lượng sản phẩm và giá bán đã được nâng lên đáng kể, cao hơn nhiều so với thu hoạch theo phương pháp truyền thống...

Trước đây, cứ đến vụ thu hoạch, thấy vườn cà phê có khoảng 50 - 60% quả chín là gia đình ông Trần Thanh Sơn (ở thôn 9, xã Ea Kiết) huy động nhân lực, phương tiện tập trung hái cả quả xanh lẫn đỏ. Thế nhưng, mấy năm gần đây, ông Sơn dần thay đổi cách thu hoạch, khi tỷ lệ quả cà phê chín từ 80 - 90% trở lên mới thu hái. Cách làm này, tuy thời gian thu hoạch kéo dài nhưng năng suất, sản lượng lại cao hơn, nhân cà phê to, chắc và được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn rất nhiều so với thị trường… Ông Sơn chia sẻ: “Trước hái một đợt là xong, còn giờ ít nhất cũng phải hai đợt, chi phí tính ra có cao hơn. Tuy nhiên, cà phê được thu hái tỷ lệ quả chín đạt cao nên năng suất, sản lượng được nâng lên đáng kể, giá được doanh nghiệp thu mua cao hơn so với thị trường từ 7.000 - 11.000 đồng/kg. So với trước đây, tổng thu nhập của gia đình tăng khoảng 15%”.

Nông dân thôn 9 (xã Ea Kiết) chế biến cà phê theo công nghệ ướt.
Nông dân thôn 9 (xã Ea Kiết) chế biến cà phê theo công nghệ ướt.

Tương tự, gia đình anh Phan Văn Báu (cùng thôn) cũng đã nâng cao được chất lượng và giá thành sản phẩm từ việc chế biến cà phê ướt. Nhờ tuân thủ nghiêm các khâu trong sản xuất, từ thu hái đến chế biến nên cà phê nhân của gia đình anh được doanh nghiệp mua với giá cao hơn so với thị trường từ 7.000 – 9.000 đồng/kg, đặc biệt có những năm lên đến 12.000 đồng. Anh Báu cho hay: “Gia đình tôi có 2 ha cà phê, bình quân mỗi năm thu được 3 - 3,5 tấn/ha, với giá bán trên thị trường như hiện nay mỗi tấn chỉ thu được 31 triệu đồng, còn áp dụng chế biến cà phê ướt thì mỗi tấn được nâng lên thành 38 - 41 triệu đồng trong khi đó chỉ mất thêm vài công để thu hái, sau khi trừ chi phí, nông dân vẫn có lãi hơn”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.