Multimedia Đọc Báo in

Lợi ích "kép" từ trồng rừng

08:15, 13/04/2021

Huyện Krông Bông có diện tích tự nhiên 1.257,49 km2, trong đó diện tích rừng và đồi núi là 104.070 ha, chiếm 82,76% diện tích tự nhiên toàn huyện.

Do điều kiện thổ nhưỡng và địa hình không thuận lợi cho phát triển một số loại cây công nghiệp hiệu quả kinh tế cao nên trồng rừng được xác định là hướng phát triển kinh tế mũi nhọn của huyện Krông Bông. Thực tế trên địa bàn huyện, trồng rừng đã mang lại lợi ích “kép”: vừa nâng cao thu nhập cho người dân vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng diện tích che phủ rừng. Những năm qua, nhiều người dân ở các xã phía đông huyện (Hòa Lễ, Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm và Yang Mao) mạnh dạn đầu tư trồng rừng và đạt hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Người dân buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) khai thác gỗ rừng trồng.
Người dân buôn Tliêr (xã Hòa Phong, huyện Krông Bông) khai thác gỗ rừng trồng.

Từ năm 1997, khi có chủ trương “phủ xanh đất trống đồi núi trọc” theo Chương trình 327 của Chính phủ, nhiều gia đình ở buôn Tliêr (xã Hòa Phong) đã hưởng ứng tích cực, từ đó trồng được 130 ha bạch đàn. Riêng gia đình ông Y Bê Niê (thường gọi Ama Hiem) trồng được 7 ha. Mọi khoản chi phí từ lúc trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch do Công ty Lâm nghiệp Krông Bông đầu tư nên sau khi trừ chi phí các khoản, người trồng rừng còn hưởng lợi khoảng 1/3 giá trị. Nhờ thay đổi cơ chế theo phương thức trồng liên kết giữa Công ty Lâm nghiệp Krông Bông với hộ gia đình, từ năm 2002 đến 2016 gia đình ông Ama Hiem đã tăng diện tích trồng rừng lên 17 ha; qua hai chu kỳ thu hoạch (mỗi chu kỳ 5 năm), 1 ha rừng trồng thu được bình quân 110 ster gỗ, với giá bán tại rừng 800.000 đồng/ster, gia đình Ama Hiem trở thành triệu phú từ rừng. Từ năm 2016 đến nay, do chuyển đổi phương thức hạch toán kinh doanh, Công ty Lâm nghiệp Krông Bông trực tiếp thuê đất trồng rừng, quản lý và thu hoạch nên gia đình Ama Hiem đã cho công ty thuê 10 ha với giá một chu kỳ 10 triệu đồng/ha và đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng trồng cho công ty…

Theo phân tích của ông Y Miôk Niê (cũng ở buôn Tliêr), nếu tính toán chi li thì giá trị kinh tế từ trồng rừng không bằng trồng cây hằng năm nhưng trồng rừng mang lại “lợi ích kép”. Phần lớn đất trồng rừng có độ phì không cao, trồng rừng ít tốn chi phí đầu tư chăm sóc, khoản thu nhập trong một chu kỳ 5 năm là khoản lãi gộp nên người trồng rừng có thể tích lũy được một khoản tiền đáng kể; mặt khác, trồng rừng còn góp phần chống xói mòn, rửa trôi đất. Ông Y Miôk dẫn chứng: Vào mùa mưa lũ, diện tích trồng rừng gần sông, suối ở buôn Tliêr ít bị xói lở đất hơn những đoạn sông, suối không có rừng. Vì những lợi ích như thế, gia đình ông Y Miôk trực tiếp đầu tư kinh phí trồng 2 ha keo lai, đến nay là năm thứ ba, cây rừng phát triển xanh tốt, dự kiến đến kỳ thu hoạch, mỗi héc-ta rừng mang lại cho gia đình ông nguồn lãi gần 100 triệu đồng.

Rừng trồng năm thứ ba của gia đình ông Y Miôk Nuê (buôn Tliêr).
Rừng trồng năm thứ ba của gia đình ông Y Miôk Nuê (buôn Tliêr).

Ông Nguyễn Văn Minh (ở thôn 5, xã Hòa Phong) cho biết, với những diện tích đất có độ phì trung bình, có thể kết hợp giữa trồng cây hằng năm theo phương thức 1+4 (nghĩa là vụ đầu tiên khi rừng chưa khuếch tán rộng, thì có thể xen trồng một vụ sắn, và 4 năm sau cho đến kỳ thu hoạch chỉ cần dọn thực bì chống cháy rừng, cây sẽ phát triển tốt). Nhờ áp dụng phương thức này mà 1 ha rừng trồng không cần tốn nhiều công chăm sóc, gia đình ông Minh thu được gần 80 triệu đồng, cái lợi lớn hơn là đất không bị xói mòn…

Một chu kỳ trồng rừng thường phải từ 5 năm trở lên mới cho thu hoạch; vì thế, để nâng cao nhận thức cho người dân nắm được “lợi ích kép” từ trồng rừng, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, liên kết tiêu thụ, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có cơ chế chính sách phù hợp hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển diện tích rừng..

Mai Viết Tăng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.