Multimedia Đọc Báo in

Chi phí thức ăn tăng cao, người nuôi heo gặp khó

08:13, 12/07/2021

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 855.000 con heo, song mấy tháng nay giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, còn giá heo hơi đang giảm khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Từ tháng 11-2020, thức ăn chăn nuôi bắt đầu tăng giá. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi nhập nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài, nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến giá cả nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng cao.

Như vậy, tính đến tháng 6-2021, nhiều DN sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá đến 8 lần (trung bình mỗi tháng tăng giá một lần), mỗi lần tăng 300 - 400 đồng/kg; có nhiều loại thức ăn chăn nuôi cao cấp (loại tập ăn cho heo con) tăng 500 - 600 đồng/kg. Đến thời điểm hiện tại có công ty tăng 70.000 - 75.000 đồng/bao thức ăn 25 kg, mức tăng chưa bao giờ có từ trước tới nay.

Nhân viên công ty TNHH Gold Coin Feedmill Đồng Nai thực hiện quy trình dinh dưỡng chăn nuôi heo  cho một hộ chăn nuôi ở huyện Buôn Đôn.
Nhân viên công ty TNHH Gold Coin Feedmill Đồng Nai thực hiện quy trình dinh dưỡng chăn nuôi heo cho một hộ chăn nuôi ở huyện Buôn Đôn.

Cuối năm 2020, đàn heo nái 40 con của chị N.T.T.T. ở thôn 2 (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột) bị nhiễm dịch tả heo Châu Phi chết hết. Chị T. phải ngừng chăn nuôi, sát trùng chuồng trại hơn 4 tháng. Đến tháng 3-2021, chị mạnh dạn tái đàn, đầu tư mua 80 con heo giống nuôi thịt (giá 3,2 triệu đồng/con) và 30 con heo nái hậu bị (12 - 13 triệu đồng/con). Trong thời gian nuôi, tuy giá thức ăn tăng nhưng giá heo vẫn cao nên gia đình chị T. hy vọng thu hồi được vốn và có lãi. Hiện nay khi heo đến thời kỳ xuất bán thì giá heo hơi giảm mạnh từ 75.000 – 77.000 đồng/kg xuống còn 52.000 – 53.000 đồng/kg, khiến gia đình chị đứng trước nguy cơ bị lỗ vốn.

Tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, dự đoán giá thức ăn chăn nuôi có thể sẽ còn tăng trong thời gian tới, những hộ chăn nuôi quy mô lớn, khép kín phải xoay xở khắc phục những khó khăn trước mắt. Cũng như gia đình chị T., cuối năm ngoái đàn heo của gia đình anh Nguyễn Bá Vương, ở thôn Phước Thọ 4 (xã Ea Phê, huyện Krông Pắc) bị dịch tả heo Châu Phi chết hết. Vừa qua, anh Vương đầu tư tái đàn 50 con heo nái, giai đoạn đầu khai thác được 300 heo con, trong đó gần 200 heo con tới giai đoạn cai sữa, có thể xuất bán nhưng chưa bán được. Anh Vương cho hay: “Trước đây, heo con của gia đình tôi xuất bán liên tục, nhưng hiện nay số lượng heo con xuất đi rất hạn chế, do giá heo hơi giảm, giá thức ăn chăn nuôi tăng khiến người chăn nuôi heo thận trọng hơn, không dám mua heo về nuôi sợ thua lỗ.” Với số heo con chưa xuất đi được, anh Vương phải xây dựng thêm chuồng heo thịt để giải quyết những khó khăn trước mắt.

Một trang trại chăn nuôi heo tại xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).
Một trang trại chăn nuôi heo tại xã Ea Kpam (huyện Cư M’gar).

Về phía các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ đã phải giảm đàn, cắt giảm những loại thức ăn đắt tiền và sử dụng các loại thức ăn rẻ tiền hơn, tiến hành chăn nuôi tận dụng (sử dụng thức ăn rẻ tiền hơn hoặc trộn thức ăn chăn nuôi với bắp, chuối, bã hèm…) để giảm chi phí. Tuy nhiên, khi chăn nuôi tận dụng, người chăn nuôi phải nắm vững kỹ thuật phối trộn, bảo đảm tỷ lệ dinh dưỡng cho đàn heo ở từng giai đoạn phát triển để đàn heo phát triển tốt.

Trước mỗi lần tăng giá, các DN thường báo cho các đại lý chăn nuôi sắp xếp lấy hàng, trữ hàng để tiết kiệm đi một phần chi phí nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt. Hơn lúc nào hết, người chăn nuôi hy vọng Nhà nước sớm có giải pháp nhằm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, giá heo để người chăn nuôi bớt đi phần nào khó khăn.

Thùy Dung


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.