Multimedia Đọc Báo in

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh: "Cầu nối" cung - cầu lao động

16:10, 20/01/2015

Với các hoạt động tư vấn học nghề, kỹ năng thi tuyển, lựa chọn công việc phù hợp, giới thiệu việc làm cho người lao động; cung ứng, tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, phân tích, dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động…, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã trở thành “cầu nối” giữa doanh nghiệp và người lao động.

Địa chỉ tin cậy

Đây là lần thứ 3 chị Trần Thị Bích Ngọc ở xã Hòa Thuận (TP. Buôn Ma Thuột) đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký tìm việc làm. Chị Ngọc cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán tổng hợp, chị đã tự liên hệ tìm việc ở nhiều nơi nhưng không được. Khi biết về hoạt động của Trung tâm, chị đã đến nhờ tư vấn, giới thiệu và tìm được việc làm ở 2 công ty, nhưng do mức lương chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên chị xin nghỉ để tìm việc ở nơi khác. Chị Ngọc kể: “Qua tìm hiểu, tôi được biết cũng có một số trung tâm dịch vụ việc làm tư nhân nên quyết định thử liên hệ với mong muốn sẽ tìm được việc làm có mức lương cao hơn nhưng khi biết phải đóng phí 400.000 đồng/lần giới thiệu, tôi đã không đăng ký và quay lại đây nhờ Trung tâm giúp đỡ. Thật may đúng lúc một công ty trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đang có nhu cầu tuyển kế toán nên tôi đã được Trung tâm giới thiệu đến phỏng vấn”.

Người lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động đăng ký tìm việc tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Đã từng làm kế toán cho một doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh được 2 năm nhưng sau khi kết hôn, chị Nguyễn Thị Hương Mai chuyển về Dak Lak sinh sống cùng chồng. Qua tra cứu thông tin trên mạng Internet, chị tìm đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký tìm việc. Tại đây, chị được các nhân viên tư vấn cách lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng, cách chuẩn bị hồ sơ, kỹ năng thi tuyển, các câu hỏi doanh nghiệp thường đặt ra cho người lao động và ngược lại… nên cảm thấy yên tâm hơn. Chị Mai cho biết: “Tôi cảm thấy hài lòng về thái độ phục vụ và chất lượng dịch vụ của Trung tâm. Nhờ được Trung tâm tư vấn, tôi đã có thêm nhiều thông tin về thị trường lao động ở Dak Lak. Không những vậy, khi truy cập vào website của Trung tâm, tôi dễ dàng đăng ký tìm việc làm, tìm kiếm thông tin tuyển dụng của các doanh nghiệp, tìm hiểu chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp…”

Không chỉ người lao động mà các đơn vị sử dụng lao động cũng cảm thấy tin tưởng và hài lòng khi đăng ký tuyển dụng lao động tại Trung tâm. Đại diện Trung tâm Thương mại và Dịch vụ Đại Phát (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, doanh nghiệp không chỉ đăng ký tuyển dụng lao động trên website của Trung tâm mà còn thường xuyên tham gia tuyển lao động trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm do Trung tâm tổ chức. Nhờ vậy, doanh nghiệp đã tuyển dụng được một số lao động đáp ứng yêu cầu công việc.

Đa dạng hóa hình thức hoạt động

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được thành lập theo Quyết định số 541/QĐ-UBND ngày 18-11-1991 của UBND tỉnh và chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Tính từ năm 2010 đến năm 2014, Trung tâm đã tư vấn việc làm và nghề nghiệp cho trên 91.000 lượt người; tư vấn chính sách, pháp luật lao động cho 18.212 lượt người lao động và người sử dụng lao động; giới thiệu việc làm cho 31.240 lượt người và đã có 15.517 người có việc làm ổn định sau khi được giới thiệu. Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm đảm nhận thêm nhiệm vụ tiếp nhận, giải quyết chế độ Bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Đến cuối năm 2014, Trung tâm đã tiếp nhận 15.134 hồ sơ đăng ký thất nghiệp trong tỉnh, trong đó, 14.069 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền chi trả trên 103 tỷ đồng.

Người lao động đăng ký tìm việc lm tại Trung tm Dịch vụ việc lm tỉnh.
Một phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Để thực sự trở thành “cầu nối” về cung – cầu lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đa dạng hóa hình thức hoạt động. Không chỉ tư vấn trực tiếp tại Trung tâm, định kỳ vào ngày 15 hằng tháng, đơn vị còn tổ chức các phiên giao dịch việc làm, tính đến cuối năm 2014, đã tổ chức thành công 52 phiên, thu hút 545 lượt đơn vị, doanh nghiệp và 24.848 lượt lao động tham gia. Số lao động được tuyển dụng trực tiếp và hẹn phỏng vấn sau phiên là 8.632 người. Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng tiếp cận các cơ hội việc làm, Trung tâm đã phối hợp tổ chức 25 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các cụm xã, phường trên địa bàn tỉnh, thu hút 129 lượt đơn vị, doanh nghiệp và 5.512 người tham gia, trong đó có 1.610 lao động được tuyển dụng trực tiếp và hẹn phỏng vấn.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã thành lập Sàn Giao dịch việc làm và website “vieclamdaklak.net” giúp người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng đăng ký, tra cứu thông tin, tìm kiếm việc làm cũng như nguồn lao động phù hợp với yêu cầu tuyển dụng. Anh Đoàn Ngọc Nguyên, Trưởng phòng Giới thiệu việc làm cho biết, người lao động đến đăng ký tìm việc tại Trung tâm sẽ được các nhân viên hướng dẫn ghi phiếu đăng ký tìm việc làm. Toàn bộ các thông tin cá nhân của người lao động như họ tên, giới tính, tuổi, dân tộc, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nhu cầu việc làm, mức lương mong muốn… đều được Trung tâm tiếp nhận, lưu trữ và đăng tải trên website. Khi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, Trung tâm sẽ làm thủ tục cho người lao động đến phỏng vấn. Thông tin của những lao động chưa tìm được việc làm vẫn được lưu trữ tại website của Trung tâm để các doanh nghiệp khác có nhu cầu tuyển dụng tiếp tục tra cứu và liên hệ. Tất cả hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đăng ký tuyển dụng, tham gia sàn giao dịch việc làm của người lao động và doanh nghiệp đều được Trung tâm miễn phí hoàn toàn.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nguyễn Văn Hiệp đánh giá,  nhiều năm qua, Trung tâm đã thực sự trở thành “nhịp cầu” nối giữa doanh nghiệp và người lao động. Thông qua Trung tâm, doanh nghiệp có thể dễ dàng lựa chọn những lao động phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và người lao động cũng tìm kiếm được cơ hội việc làm từ các doanh nghiệp có uy tín hoặc xuất khẩu lao động ra nước ngoài.

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.