Multimedia Đọc Báo in

Công nhân lao động trong tiến trình hội nhập

11:03, 01/05/2016
Hội nhập quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với đội ngũ công nhân lao động khi mà trình độ tay nghề, kỹ năng, tác phong làm việc công nghiệp còn hạn chế. Để có thể hội nhập, công nhân lao động buộc phải tự “làm mới” mình.  
 
Tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng 
 
Những ngày đầu làm công nhân ở nhà máy thủy điện thuộc Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên, anh Dư Anh Pháp gặp nhiều khó khăn, lúng túng trong công việc. Được đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, bản thân anh không ngừng tìm tòi, học hỏi thêm kinh nghiệm và được tin tưởng giao đảm nhận vị trí trưởng ca. Trong 5 năm (2010-2015), anh được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Anh Pháp chia sẻ: “Làm việc tại xí nghiệp chuyên sản xuất điện năng, bản thân tôi ý thức được các nguy cơ mất an toàn lao động nên luôn nhắc nhở đồng nghiệp chấp hành tốt quy trình vận hành, kỹ thuật an toàn điện, các nội quy, quy chế của đơn vị”. Đặc biệt, với vai trò là trưởng ca và bí thư chi đoàn, anh Pháp đã có nhiều sáng kiến góp phần làm lợi cho doanh nghiệp. Sáng kiến gần đây nhất là cải tiến hệ thống làm mát nhớt tuần hoàn của tổ máy phát, làm lợi cho doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng/năm và xây dựng vườn ươm cây keo tai tượng bán cho công ty để trồng phủ xanh các đồi xung quanh nhà máy vừa gây quỹ cho chi đoàn hoạt động, vừa tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. 
Công nhân Công ty TNHH May Tây Nguyên làm chủ dây chuyền, máy móc hiện đại.
Công nhân Công ty TNHH May Tây Nguyên làm chủ dây chuyền, máy móc hiện đại.
 
Khi mới được nhận vào làm tại Công ty TNHH Cà phê Hà Lan Việt Nam (Cụm Công nghiệp Tân An 2, TP. Buôn Ma Thuột), anh Nguyễn Hữu Thuận chỉ là công nhân bốc xếp, vận chuyển hàng hóa. Khi công ty đầu tư trang  bị hệ thống máy móc tự động, anh đã chủ động xin đi học lái xe nâng, tham gia các khóa huấn luyện, đào tạo quy trình vận hành máy móc an toàn và đã được cấp chứng chỉ nên được chuyển sang vị trí lái xe nâng với mức thu nhập cao hơn trước. Anh Thuận tâm niệm, ngoài việc không ngừng học tập, nâng cao tay nghề, bản thân mỗi công nhân lao động phải chú trọng rèn luyện tác phong công nghiệp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu trong thời kỳ hội nhập. Không chỉ đến công ty đúng giờ quy định, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình an toàn lao động, anh Thuận còn luôn tập trung, chuyên tâm cho công việc vừa giúp công ty hoàn thành đơn hàng đúng thời hạn, mà bản thân anh cũng có thêm thu nhập, có khả năng chịu áp lực cao.
 
Đồng hành cùng người lao động
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, công nhân lao động Việt Nam, trong đó có công nhân lao động của tỉnh Đắk Lắk sẽ có nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, phần lớn người lao động ít có cơ hội tiếp cận các cơ hội đó do trình độ, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, ngoại ngữ… chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế, hơn nữa khả năng thích ứng với những thay đổi công việc còn nhiều hạn chế. Do vậy, để công nhân lao động hội nhập “sân chơi” quốc tế, bên cạnh nỗ lực, phấn đấu của chính họ rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan có thẩm quyền, chủ doanh nghiệp, Công đoàn. 
 
Trên thực tế, rất nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm đến vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Khanh, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên cho biết: công ty hiện có 125 cán bộ, công nhân viên. Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp đã phát động phong trào thi đua lao động giỏi và tạo điều kiện cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Hằng năm, đơn vị đã tổ chức huấn luyện an toàn, ôn tập lý thuyết và thi tay nghề cho công nhân. Đồng thời, đầu tư kinh phí cho cán bộ, công nhân đi đào tạo và đào tạo lại tại các trường đại học để có thể chủ động hội nhập và đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường.
 
Để người lao động phát huy khả năng, sức sáng tạo, các cấp Công đoàn đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua như lao động giỏi, lao động sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Qua đó, trong 5 năm (2010-2015) toàn tỉnh đã có 335 đề tài khoa học, hơn 35.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, kinh nghiệm, phương pháp quản lý, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng. 
 
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Trần Tuấn Anh, để công nhân lao động đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế thì bản thân mỗi công nhân lao động cần phát huy nội lực, tích cực, chủ động học tập, nâng cao tay nghề, rèn luyện tác phong công nghiệp để thích ứng được những đòi hỏi ngày càng cao và không trở thành người tụt hậu, đứng ngoài sân chơi lớn. Riêng với các cấp Công đoàn, cần làm tốt hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, từng bước tạo điều kiện để công nhân lao động ổn định về nhà ở, thu nhập, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động. Công đoàn cơ sở của các đơn vị, các doanh nghiệp trong quá trình xây dựng thỏa ước lao động tập thể cần quan tâm đến việc hỗ trợ người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…
Nguyễn Xuân

Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.