Multimedia Đọc Báo in

Hết lòng vì bệnh nhân phong

07:16, 28/11/2017

Trên thị trường tuyệt nhiên không có những đôi giày, dép phù hợp với chân của bệnh nhân phong. Vì thế, mỗi năm kỹ thuật viên (KTV) Khoa Điều trị bệnh phong Ea Na (Trung tâm Da liễu Đắk Lắk) đã đóng hàng trăm đôi giày, dép “đặc chủng” để cấp phát cho bệnh nhân.

Bó bột để… may giày, dép 

Xưởng đóng giày, dép của khu điều trị phong Ea Na rộng khoảng 10 m2. Trong xưởng ngổn ngang những vật liệu phục vụ sản xuất như: da, xốp, cao su. Ở một góc, những chiếc chân giả với nhiều hình thù kỳ dị được chất thành đống, trên đó ghi rõ họ tên người sử dụng. Thấy tôi tò mò, anh Huỳnh Thanh Phong - KTV giày, dép của Khoa Điều trị phong Ea Na giải thích, đó là những chiếc chân giả được đúc bằng thạch cao mô phỏng hình dáng chân của những bệnh nhân phong, phải có nó mới may được giày dép cho bệnh nhân. 

Anh Huỳnh Thanh Phong đang lấy số đo để may dép cho một bệnh nhân phong.
Anh Huỳnh Thanh Phong đang lấy số đo để may dép cho một bệnh nhân phong.

Thấy tôi vẫn còn băn khoăn, anh Phong với tay cầm một chiếc chân giả diễn giải: Không như những người thợ đóng giày dép bình thường, chỉ cần tạo mẫu ưa thích rồi tùy vào kích cỡ chân của khách hàng là thực hiện. Đóng giày, dép cho bệnh nhân phong phức tạp gấp nhiều lần. Do những di chứng bệnh phong để lại nên chân của họ bị dị dạng khác nhau, mỗi người mỗi kiểu. Bởi thế trước khi tiến hành đóng giày, dép cho bệnh nhân phong, KTV phải đo đếm, ghi chép cẩn thận kích thước chân của bệnh nhân. Sau đó dùng thạch cao bó bột chân của bệnh nhân, chờ thạch cao khô sẽ tháo ra. Từ chiếc khuôn này, KTV sẽ dùng bột thạch cao đổ vào khuôn để tạo hình. Để việc đóng giày, dép chính xác, KTV phải đối chiếu lại những thông số đã đo trên bàn chân thật của bệnh nhân và số đo từ bàn chân mô hình vừa đúc, nếu có sai lệch sẽ dùng máy mài chỉnh sửa mô hình lại cho khớp với bàn chân thật, rồi dùng băng dính quấn kín mô hình tạo mẫu giày dép. Dựa vào mẫu này KTV sẽ cắt da, xốp, cao su để sản xuất một đôi giày, dép phù hợp cho bệnh nhân.

Hầu hết các công đoạn đóng giày, dép đều được tỉ mẫn làm bằng tay, máy móc chỉ hỗ trợ khâu may, mài, hấp. Đối với những bàn chân dị dạng nặng, để sản xuất một đôi giày, dép có khi phải mất 4 ngày. “Có những đôi dép, KTV phải gắn thêm lò xo động lực để hỗ trợ việc đi lại vì chân bệnh nhân mất khả năng co duỗi. Đối với những bệnh nhân chân có lỗ đáo (vết thương hở), KTV phải khoét một lỗ giảm áp bên dưới đế của đôi dép, như vậy vết thương mới không bị chạm vào đế dép cứng, tránh làm vết thương bị nặng thêm”, anh Phong chia sẻ. 

Nâng bước cho bệnh nhân phong

Là KTV giày, dép duy nhất của Khoa Điều trị bệnh phong Ea Na, anh Huỳnh Thanh Phong (SN 1979) gắn bó với công việc này hơn 15 năm. Với anh, việc sáng tạo những đôi giày, dép để hỗ trợ việc đi lại cho bệnh nhân là niềm đam mê, hạnh phúc. Năm 1999, anh Phong được một tổ chức phi chính phủ chọn đưa về Bệnh viện Phong – Da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) để đào tạo may giày, dép cho bệnh nhân phong. Sau 3 tháng học việc, anh ở lại làm việc trong xưởng giày, dép của Bệnh viện để tích lũy thêm kinh nghiệm. Đến năm 2001, anh trở thành KTV duy nhất đóng giày, dép cho bệnh nhân phong của tỉnh Đắk Lắk.

Anh Huỳnh Thanh Phong đang điều chỉnh một số chi tiết trên mô hình bàn chân được đúc bằng thách cao cho đúng với bàn chân thật của bệnh nhân phong.
Anh Huỳnh Thanh Phong đang điều chỉnh một số chi tiết trên mô hình bàn chân được đúc bằng thách cao cho đúng với bàn chân thật của bệnh nhân phong.

Ngày trước, bệnh phong bị kỳ thị nên người bệnh thường tìm đến những nơi xa xôi, hẻo lánh trú ngụ. Anh Phong phải lặn lội đến tận nơi, đo chân, đúc khuôn rồi mang về xưởng may giày, dép. Sau đó lại mang giày, dép đưa trở lại cho bệnh nhân phong. Có khi đi bằng xe của cơ quan, nhưng chủ yếu anh rong ruổi bằng xe máy, cũng nhờ đó mà anh nhớ gần hết địa chỉ nhà, tên của những bệnh nhân phong trên địa bàn tỉnh cần hỗ trợ giày, dép.

 “Người mắc bệnh phong sẽ khiến đôi chân bị tê không còn cảm giác đau, do đó nếu không có dép để mang khi giẫm phải dị vật người bệnh sẽ không biết, để lâu ngày vết thương sẽ hoại tử gây nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế, những đôi giày dép góp phần làm giảm những nguy cơ gây thêm khuyết tật cho bệnh nhân”, bác sĩ Trần Sỹ Tố, Trưởng Khoa Điều trị bệnh phong Ea Na cho biết.

Không chỉ may giày, dép, anh Phong còn sử dụng những vật liệu thừa trong quá trình sản xuất để chế tạo một số công cụ hỗ trợ cho những bệnh nhân bị cụt tay có gắn thìa hay những vật dụng đơn giản khác giúp họ dễ dàng hơn trong ăn uống, sinh hoạt. “Người bị bệnh phong đã thiệt thòi, mình đỡ đần được họ chút nào hay chút đó”, anh Phong tâm niệm.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.