Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng tình trạng trẻ em ở Cư Pui đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh

08:55, 13/03/2018

Thời gian qua, mặc dù chính quyền địa phương đã đưa ra rất nhiều giải pháp song tình trạng trẻ em độ tuổi từ 12 đến 17 tuổi ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông) rời địa phương đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh vẫn gia tăng.

Thôn Ea Uôl hiện có 21 người đi lao động ở TP. Hồ Chí Minh và 6 người đi làm ăn ở Trung Quốc (chủ yếu là người Mông); trong số những người đang đi làm việc tại TP. Hồ Chí Minh có 11 trẻ em ở độ tuổi từ 12 - 17 tuổi. Những gia đình có con em đi làm ăn xa đều thuộc diện hộ nghèo. Như gia đình anh Sùng Mí Sính có con gái lớn là Sùng Thị Mỵ (SN 2004) đang học lớp 4 thì nghe lời dụ dỗ bỏ học vào TP.Hồ Chí Minh làm thợ may từ năm 2017. Nhà anh Sính rất nghèo, chỉ có vài sào đất rẫy nên quanh năm thiếu ăn, mọi chi phí phải trông vào tiền làm thuê của anh Sính. Căn nhà 167 làm xong mấy năm nhưng giờ vẫn còn nợ ngân hàng 10 triệu đồng chưa có tiền trả. Vì vậy, khi có người đến đưa con đi, anh Sính đồng ý ngay. Hiện nay, mỗi ngày cô bé Mỵ phải làm 3 ca từ 10 - 12 tiếng; sinh hoạt gò bó, không được đi ra ngoài. Cuối năm, chủ lao động trả cho em 15 triệu đồng. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn và chủ lao động hứa sẽ tăng lương nên sau khi về nhà ăn Tết, Mỵ quay vào TP. Hồ Chí Minh đi làm lại. Cô bé than thở: “Do phải làm việc vất vả cả ngày nên lúc nào cháu cũng cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ. Năm nay chủ hứa cuối năm sẽ trả 35 triệu đồng tiền công nên có vất vả cháu cũng phải cố gắng đi làm để giúp bố mẹ trả nợ”.

Em Sùng Thị Mỵ (trái) kể về công việc lao động vất vả tại TP.Hồ Chí Minh.
Em Sùng Thị Mỵ (trái) kể về công việc lao động vất vả tại TP.Hồ Chí Minh.

Cùng hoàn cảnh là cô bé Mua Thị Mo (sinh năm 2004), con gái ông Mua Nõ Po ở cùng thôn. Đang học dở lớp 3 thì Mo bỏ học đi làm thợ may ở TP. Hồ Chí Minh. Gia đình ông Po cũng thuộc diện hộ nghèo; dù đã có 4 đứa con, đủ trai, đủ gái nhưng vợ chồng ông vừa sinh thêm đứa nữa, mới được hơn 20 ngày tuổi. Khoản nợ ngân hàng 40 triệu đồng để đào ao và trồng cà phê mãi chưa trả được. Sau thời gian đi làm, Tết vừa qua, cô bé Mo được chủ lao động trả cho 15 triệu đồng mang về. Qua Tết, gia đình ông Po lại tiếp tục cho Mo đi làm mong có khoản thu nhập trang trải nợ nần và cho mấy đứa còn lại đi học. Ông Po cho hay: “Cháu Mo còn nhỏ, học lại kém, ở nhà cũng không làm được việc gì. Gia đình quá khó khăn vì ít đất sản xuất, đông con lại còn phải nuôi mấy đứa đi học. Mo thích đi làm, không muốn đi học. Nó đi làm thì có thêm ít tiền để trang trải cho gia đình”.

Vợ chồng ông Mua Nõ Po có con gái Mua Thị Mo (SN 2004) bỏ học đi lao động sớm.
Vợ chồng ông Mua Nõ Po có con gái Mua Thị Mo (SN 2004) bỏ học đi lao động sớm.

Hiện nay xã Cư Pui đang chỉ đạo các thôn, buôn rà soát, tổng hợp số lượng những đối tượng trên địa bàn đi làm ăn ngoài tỉnh; đồng thời các tổ chức, đoàn thể, các trường học của xã, thôn, buôn đang tiếp tục tuyên truyền, đến tận từng nhà gặp gỡ những gia đình có con em đi làm xa về nghỉ Tết và những em có nguy cơ bỏ học để động viên các tiếp tục học tập. Nhờ những biện pháp này, trong số những em đi lao động năm 2017 về nghỉ Tết thì có 4 em ở lại nhà, không đi làm nữa; song lại… có thêm 6 em khác bị lôi kéo, rủ rê bỏ học đi làm. Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui chia sẻ: “Địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp để ngăn chặn việc người dân bắt con em nghỉ học để tham gia lao động. Tuy nhiên, do đa số bà con hoàn cảnh khó khăn, thiếu đất sản xuất, đông con, nhận thức lại hạn chế nên việc vận động rất khó. Họ thấy cái lợi trước mắt, không nghĩ được việc chủ lao động bóc lột sức lao động của con em mình và hậu quả đối với các em về sau. Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em ở các thôn, buôn đi lao động, nhất là những em còn đang đi học”.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.