Multimedia Đọc Báo in

Thêm gắn kết yêu thương

09:01, 02/07/2018

Cùng nhau gắn kết, yêu thương và sẻ chia chính là một trong những thông điệp ý nghĩa từ Hội thi Gia đình hạnh phúc do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh vừa tổ chức.

Dự thi có 19 gia đình văn hóa tiêu biểu, được lựa chọn từ các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh. Tham gia hội thi, các gia đình đã có những giây phút tuyệt vời, vui vẻ khi trải qua các thử thách hấp dẫn như: thi tự giới thiệu, tìm hiểu kiến thức, ứng xử và năng khiếu. Mỗi phần thi đều có những yêu cầu khác nhau, đòi hỏi các thành viên trong mỗi gia đình luôn phải bình tĩnh, nhanh nhạy và đặc biệt là phải gắn kết, động viên và hỗ trợ nhau.

Gây ấn tượng ngay từ phần thi tự giới thiệu, nhiều đội thi đã sáng tác các bài vè, biên lời bài hát, làm thơ… một cách sáng tạo, dí dỏm nhằm giới thiệu chi tiết từ tính cách, sở thích đến công việc của mỗi thành viên trong gia đình. Nổi bật nhất phải kể đến gia đình anh Mai Bá Linh và chị Trịnh Thị Kim Thủy (huyện Krông Bông). Khác hẳn các đơn vị tham dự, đội thi mang số báo danh 02 đã giới thiệu đến hội thi về một gia đình nhiều thế hệ gồm ông bà, bố mẹ và con cái. Với cách truyền tải có nhịp điệu, kèm panô ảnh hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam, đội thi đã gửi đến toàn thể khán giả một thông điệp ngắn gọn, nhưng rất ý nghĩa, đó là “ông bà mẫu mực – con cháu thảo hiền – kinh tế đi lên – gia đình hạnh phúc”.

Trước những tình huống của hội thi đưa ra, các gia đình luôn bàn bạc thống nhất ý kiến.
Trước những tình huống của hội thi đưa ra, các gia đình luôn bàn bạc thống nhất ý kiến.

Tương tự, nhiều gia đình đã “ghi điểm” mở màn bằng cách đưa ra những vấn đề lớn mà xã hội quan tâm như: bạo lực gia đình, tình trạng trọng nam khinh nữ… để làm nổi bật lên giá trị gia đình và sự gắn kết yêu thương. Chỉ có tình yêu thương gia đình mới có thể giúp ta vững vàng vượt qua những sóng gió của cuộc đời.

Ở phần thi kiến thức, 17/19 đội đã đạt được số điểm tuyệt đối khi trả lời các câu hỏi. Điều này cũng cho thấy sự chuẩn bị chu đáo của các thí sinh trong việc tìm hiểu về Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

Hội thi khép lại, nhưng đã lắng đọng trong mỗi người nhiều điều quý giá về hai tiếng gia đình, đây cũng là dịp để mỗi thành viên nhìn lại để có sự cảm thông, thấu hiểu nhiều hơn, qua đó xây dựng gia đình mình thêm hoàn thiện, ấm no, hạnh phúc.

Ứng xử được xem là một phần thi hấp dẫn, bởi hội thi đã lồng ghép, đưa ra các tình huống rất cụ thể, gắn liền với đời sống hằng ngày, thậm chí mang tính chất “đụng chạm” như: Mẹ chồng nàng dâu, làm sao để hòa hợp? Con cái yêu khi còn ở lứa tuổi vị thành niên phải xử sự thế nào? Hay là vấn đề nhạy cảm như nếu vợ/chồng không đáp ứng được nhu cầu tình dục phải giải quyết ra sao? Nếu không có sự khéo léo, thông minh, kết hợp với kinh nghiệm sống thực tế và sự hòa hợp giữa các thành viên, e rằng khó mà có thể thuyết phục được Ban giám khảo và khán giả. Và rất đáng mừng khi hầu hết các gia đình đều có hướng xử lý các tình huống hiệu quả, mỗi thành viên trong đội chơi đều biết đặt mình vào vị trí của nhau để cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ.

Phần thi năng khiếu của gia đình anh Bùi Đình Nhã, chị Lê Thị Thúy Vân (huyện Cư Kuin).
Phần thi năng khiếu của gia đình anh Bùi Đình Nhã, chị Lê Thị Thúy Vân (huyện Cư Kuin).

Là phần thi cuối cùng, năng khiếu được các đội thi trình diễn đa màu sắc, thể loại phong phú đầy lôi cuốn, hấp dẫn xuất phát từ thực tiễn, mang đậm hơi thở cuộc sống, cộng với cách thể hiện, lối nhập vai đầy cảm xúc của các “diễn viên không chuyên” đã để lại trong lòng khán giả những ấn tượng sâu sắc. Đó là các ca khúc đầy tình yêu về gia đình như “Gia đình nhỏ hạnh phúc to” của nhiều đội thi, múa “Ba ngọn nến lung linh” của gia đình anh Nay Y Đan và chị Nông Thị Hiệp (Tỉnh Đoàn); liên khúc hát múa “Mang cơm cho mẹ đi cày” của gia đình anh Phan Mạnh Hà, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (huyện Ea Kar); mẹ và con gái múa kết hợp cha và con trai cắm hoa của gia đình anh Nguyễn Ngọc Hùng và chị Phạm Thị Thu Hồng (huyện Krông Năng); hay như phần biểu diễn hát múa “Bàn tay nhỏ - trái tim xinh” của gia đình anh Nguyễn Xuân Nguyên và chị Trần Thị Thanh Nga (Công an tỉnh)…

Mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa nhân văn, như là lời nhắc nhở các thành viên trong gia đình về cách sống, giáo dục con cái, tình yêu thương, trách nhiệm, bổn phận mỗi người. Rộng hơn thế nữa là trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể đối với công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của nhân dân về nghĩa vụ, trách nhiệm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội.

Theo dõi hội thi từ đầu đến cuối, chị Phan Hoài Ân (TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch: “Tôi tiếc vì không rủ ông xã đi cùng để anh ấy hiểu rằng, để tình cảm gia đình được sâu đậm thì vợ chồng phải biết  tôn trọng nhau, cùng nhau san sẻ mọi vui buồn trong cuộc sống”. Còn anh Trịnh Hồng Quân (huyện Krông Búk) thì cho hay, qua cuộc thi anh thấy rất hạnh phúc khi giá trị người phụ nữ được đề cao. Đặc biệt, gia đình anh hiểu rõ hơn về bạo lực gia đình. Nó không chỉ đơn giản là những hành động ngược đãi như đánh đập, chửi rủa… mà còn có loại bạo hành về tinh thần, bạo hành về xã hội.

Ngọc Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.