Multimedia Đọc Báo in

Nhật Bản dưới góc nhìn của giới trẻ

08:40, 27/09/2018

Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh vừa tổ chức Hội thi tìm hiểu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, với sự tham gia của đông đảo học sinh, sinh viên đang theo học tiếng Nhật tại các trường đại học, trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh. Dưới góc nhìn của các bạn trẻ, hình ảnh xứ sở Hoa Anh đào hiện ra gần gũi, có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Việt Nam…

Ở phần thi văn nghệ, 11 tiết mục hấp dẫn, sôi động của các thí sinh trình diễn đã phần nào giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của 2 nước qua những vũ điệu, trang phục truyền thống được các đội chăm chút, đầu tư, dàn dựng bài bản, công phu. Ở phần thi này, nếu như đội của Công ty Du học Tây Nguyên với điệu múa Yosakoi, trong trang phục truyền thống của Nhật Bản đã giúp những bạn trẻ Đắk Lắk cảm nhận được nét đẹp, sự năng động, vui vẻ, lạc quan của người Nhật Bản thì các bạn Nhật Bản đang công tác, làm việc tại Công ty Liên kết nông dân và Công ty Nico Nico Yasai lại cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ, nên thơ của Tây Nguyên đại ngàn qua điệu múa “Chiều lên bản Thượng” của nhóm thí sinh đến từ Công ty Du học Tanico. Bên cạnh đó, các tiết mục múa dân vũ “Bắc kim thang” (nhóm Công ty Du học Tây Nguyên), tiết mục biểu diễn môn võ thuật Karatedo có xuất xứ từ Nhật Bản của Trung tâm Nhật ngữ Sendai được trình diễn tại hội thi cũng góp phần giúp khán giả phần nào tiếp cận, khám phá, phác họa được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng, đáng tự hào, có nhiều nét gần gũi, tương đồng giữa hai đất nước.

Tiết mục múa Yosakoi trong trang phục truyền thống Nhật Bản của đội Công ty Du học Tây Nguyên.
Tiết mục múa Yosakoi trong trang phục truyền thống Nhật Bản của đội Công ty Du học Tây Nguyên.
 
“Chuỗi hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản góp phần giúp những học sinh, sinh viên đang theo học tiếng Nhật trên địa bàn tỉnh có cơ hội tìm hiểu, cùng nhau sẻ chia những cảm nhận, suy nghĩ, hình ảnh về đất nước, con người ngôn ngữ đất nước mình đang theo học, mong sao mỗi người sẽ trở thành một “đại sứ văn hóa”, quảng bá, giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam - Nhật Bản”.
 
Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Mai Hoa Niê Kdăm

Trong phần thi hùng biện,16 thí sinh đã thể hiện những suy nghĩ, cảm nhận về hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản. Theo chia sẻ của các thí sinh, lý do các em lựa chọn hình thức hùng biện để dự thi một phần là để kiểm tra, thẩm định lại khả năng sử dụng tiếng Nhật của mình, một phần là có thể lựa chọn nhiều chủ đề phong phú, hấp dẫn, như: lịch sử mối quan hệ giữa hai nước; tiềm năng, cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực giữa Việt Nam - Nhật Bản; đặc điểm ngôn ngữ, tác phong làm việc của người Nhật Bản. Từng có 3 năm thực tập tại nước Nhật, thí sinh Trần Thị Minh Hạnh (Công ty Liên kết nông dân) chia sẻ những ấn tượng, tình cảm gần gũi, sự thân thiện, hiếu khách mà người dân Nhật Bản dành cho du khách. Trong khi đó, với chủ đề “Nhật Bản trong tôi”, thí sinh Tuệ Minh (Công ty Du học Tanico) lại bày tỏ sự thán phục, ngưỡng mộ trước ý chí, nghị lực và lòng tự trọng, tự tôn của người Nhật, những phẩm chất nổi bật đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những cường quốc kinh tế của thế giới. Gần gũi, thực tế hơn, các thí sinh của Công ty Du học Tây Nguyên là Nguyễn Thanh Tùng (chủ đề “Tiếng Nhật rất khó”) và thí sinh Hồ Lê Phú Cường (chủ đề “Học cách chào hỏi của người Nhật”)  thẳng thắn, mạnh dạn nêu những khó khăn trong quá trình tiếp xúc, học tiếng Nhật cũng như văn hóa giao tiếp của người Nhật. Cả hai bạn cùng chung quan điểm rằng tiếng Nhật rất khó, muốn chinh phục được thử thách này đòi hỏi người học phải kiên nhẫn, chịu khó.

Dưới góc nhìn của các học sinh, sinh viên, dù đã có cơ hội gặp gỡ trực tiếp với người Nhật Bản hay mới tìm hiểu từ các phương tiện thông tin thì thế hệ trẻ Việt Nam cũng đều có thể học tập rất nhiều điều bổ ích từ họ để làm hành trang cần thiết trên con đường lập thân, lập nghiệp. Với chủ đề hùng biện “Phong cách làm việc của người Nhật”, thí sinh Nông Thị Nhật Lệ (Công ty Du học Tây Nguyên) nhận định, yếu tố quan trọng, giúp người Nhật thành công trên nhiều lĩnh vực là bởi họ luôn có ý chí tiến thủ, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn và có ý thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nghiêm túc, trách nhiệm, tính kỷ luật cao. Thí sinh Chu Minh Tâm (Công ty Du học Tây Nguyên) thì đề cao một trong những đức tính rất đáng quý của người Nhật là sẵn sàng sẻ chia, trợ giúp bằng nhiều cách để hỗ trợ các nước kém phát triển có điều kiện, nguồn lực tài chính thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giải quyết công ăn việc làm, tạo cuộc sống ổn định cho người dân…

Các học sinh tìm hiểu cơ hội du học ở đất nước Mặt trời mọc tại Hội thảo du học Nhật Bản. Ảnh: Đ.Triều
Các học sinh tìm hiểu cơ hội du học ở đất nước Mặt trời mọc tại Hội thảo du học Nhật Bản. 

Ngoài hội thi này, trong dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước (1973-2018), Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh còn tổ chức hai hoạt động ý nghĩa khác là Hội thảo du học Nhật Bản và Giao lưu Văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với mong muốn góp phần thúc đẩy, củng cố mối quan hệ truyền thống hữu nghị đoàn kết gắn bó giữa hai dân tộc.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.