Multimedia Đọc Báo in

Huy động mọi nguồn lực để giảm nghèo bền vững

06:39, 29/07/2020

Nhờ triển khai những chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp, công tác xóa đói giảm nghèo ở huyện Ea H’leo thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Để giúp người nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, huyện Ea H’leo đã ban hành các chương trình, nghị quyết, kế hoạch về giảm nghèo sát với tình hình thực tế của địa phương và giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện. Theo đó, các đơn vị, địa phương chủ động điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân, qua đó có cách hỗ trợ phù hợp như: hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ phương tiện sản xuất, cây giống, con giống, kỹ thuật chăm sóc...

Xã Ea Nam được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt chương trình giảm nghèo của huyện. Theo kết quả điều tra, rà soát, năm 2016, xã Ea Nam có 524 hộ nghèo (chiếm 19,8%) thì đến nay toàn xã chỉ còn 176 hộ nghèo (chiếm 6,1%). Để đạt được kết quả đó, hằng năm UBND xã Ea Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động các hộ nghèo xóa bỏ tập tục lạc hậu trong sản xuất, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay; lồng ghép chặt chẽ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bảo đảm công khai, minh bạch.

Ông Y Jin Mlô chăm sóc  vườn bơ.
Ông Y Jin Mlô chăm sóc vườn bơ.

Gia đình ông Hồ Dỏng (thôn Ea Sia A, xã Ea Nam) là một trong những hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Năm 2016, ông Dỏng được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng. Từ số tiền này ông đã đầu tư chăm sóc 3 sào cà phê xen tiêu. Năm 2017 gia đình ông được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Chương trình 167 của Chính phủ. Nhờ nguồn vốn vay, ông đã có kinh phí đầu tư chăm sóc vườn cây tốt hơn, đem lại cho gia đình nguồn thu nhập ổn định. Năm 2018 gia đình ông Hồ Dỏng đã vươn lên thoát nghèo.

Tương tự, cuộc sống của gia đình ông Y Jin Mlô (buôn Kdruh A, xã Ea Nam) đã có những thay đổi đáng kể sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ 500 kg phân bón và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 40 triệu đồng. Nhờ có vốn chăm sóc cây trồng, năng suất vườn cà phê xen cây ăn trái ngày càng tăng, thu nhập gia đình ông cũng dần ổn định. Ông Y Jin chia sẻ: “Trước kia do thiếu vốn lại chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Nếu không có những sự hỗ trợ của Nhà nước không biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát được nghèo”.

Gia đình ông Hồ Dỏng tiếp khách trong căn nhà mới.
Gia đình ông Hồ Dỏng tiếp khách trong căn nhà mới.

Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Ea H’leo đã phân bổ 55,4 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương, địa phương và vốn huy động để thực hiện công tác giảm nghèo. Toàn huyện có 20.412 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn với tổng dư nợ gần 296 tỷ đồng. Ngoài ra, huyện đã cấp 476.534 lượt thẻ Bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; 2.917 lao động nông thôn cũng đã được hỗ trợ dạy nghề... Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 17,33% (năm 2016) xuống còn 6,74% (đầu năm 2020), bình quân giảm 2,65%/năm. Dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4,5%.

Theo đánh giá của ông Đào Đức Đồng, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Ea H’leo, việc huy động, lồng ghép các nguồn vốn và khơi dậy ý thức vươn lên của hộ nghèo đã giúp đời sống của nhiều hộ dân được cải thiện đáng kể, diện mạo các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có sự thay đổi rõ nét, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Để tiếp tục hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo bền vững, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi, khuyến nông, hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn…

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.