Multimedia Đọc Báo in

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Từng bước tiếp cận người lao động có hoàn cảnh khó khăn

08:13, 11/06/2021

Với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến từng thôn, buôn ở khu vực vùng sâu, vùng xa, những năm gần đây nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã thay đổi nhận thức, từng bước tiếp cận và tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện để an tâm hơn khi về già.

Mặc dù gia đình thuộc hộ cận nghèo, các con đang còn đi học, thế nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Uân (xã Cư Yang, huyện Ea Kar) vẫn cố gắng dành dụm, tiết kiệm chi tiêu để tham gia BHXH tự nguyện từ hơn 2 năm nay với  mức đóng 205.000 đồng/người/tháng. Anh Uân chia sẻ: "Kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy sào đất rẫy nên hai vợ chồng xác định việc tham gia BHXH tự nguyện là rất cần thiết. Bây giờ còn sức khỏe, còn làm việc được thì cố gắng tiết kiệm, tham gia bảo hiểm để đến khi hết tuổi lao động còn có đồng lương hưu trang trải sinh hoạt, được cấp thẻ BHYT và hơn nữa là không phải phụ thuộc, trở thành gánh nặng cho con cháu".

Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn đến từng gia đình để tuyên truyền vận động người dân  tham gia BHXH tự nguyện.
Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn đến từng gia đình để tuyên truyền vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Theo số liệu thống kê của BHXH tỉnh, ước tính đến tháng 6-2021, toàn tỉnh có 14.865 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng hơn 1.500 người so với cuối năm 2020.

Tương tự, gia đình chị H’Kiếp Kpơr (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã được nghe nhân viên thu bảo hiểm tuyên truyền, giới thiệu chính sách BHXH tự nguyện có nhiều lợi ích như: được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân để hưởng các chế độ theo quy định; được hưởng lương hưu; được trợ cấp một lần và tử tuất; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nhận lương hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc. Đặc biệt, loại hình bảo hiểm này có nhiều ưu việt trong việc giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp bảo đảm thu nhập, ổn định cuộc sống…

Do đó, chị H’Kiếp đã đóng cho cả hai vợ chồng và mẹ mình với mức đóng thấp nhất là gần 150.000 đồng/người/tháng. Chị bộc bạch rằng, trước đó không biết đến BHXH tự nguyện, nghĩ là chỉ những người đi làm Nhà nước, làm công ty thì sau này mới có lương hưu, đến khi được nhân viên BHXH tư vấn, giải thích nông dân, lao động tự do cũng có thể có lương hưu nếu tham gia BHXH tự nguyện nên chị đăng ký liền, nếu biết sớm hơn về chính sách này thì chị đã tham gia sớm hơn.

Thực tế trước đây công tác tuyên truyền BHXH tự nguyện gặp không ít khó khăn vì người dân chưa quan tâm cũng như còn nhầm lẫn với bảo hiểm thương mại. Do đó, ngành BHXH đặc biệt chú trọng đến công tác này, đẩy mạnh việc vận động và đa dạng hóa cách thức tuyên truyền như phối hợp với chính quyền địa phương, những cán bộ hội, đoàn thể, người có uy tín và chính những người tham gia BHXH tự nguyện đã được hưởng lương hưu đến tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rồi tham gia.

Ngoài ra, các cán bộ BHXH, đại lý thu ở các huyện, thị xã, thành phố đã xuống tận thôn, buôn để tiếp cận với những đối tượng là nông dân và lao động phi chính thức, vận động họ nhằm thay đổi nhận thức, chủ động tham gia BHXH tự nguyện để đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống khi về già... Bởi một khi nhận thức của người dân, lao động thay đổi và họ bắt đầu tìm hiểu, tham gia BHXH tự nguyện thì những người thân, hàng xóm xung quanh sẽ có thêm niềm tin để tham gia.

Nhân viên thu bảo hiểm ra quân tuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT.
Nhân viên thu bảo hiểm ra quân tuyên tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện và BHYT.

Trong những năm gần đây, công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đã có những bước tăng trưởng vượt bậc nhưng so với tiềm năng, số người tham gia BHXH tự nguyện vẫn còn rất thấp, nhất là đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Do đó, để đảm bảo quyền được an sinh cho mọi người, tạo cơ hội cho người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam vừa đề xuất nâng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo và từ 10% lên 20% đối với các đối tượng còn lại.

Việc đề xuất tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là với những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo sẽ tạo điều kiện giúp họ có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHXH toàn dân để mọi người dân đều được tham gia vào mạng lưới an sinh, đảm bảo cuộc sống khi về già.

Thúy Hồng


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.