Multimedia Đọc Báo in

Nan giải quản lý ruộng, rẫy trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn

08:52, 30/03/2018

Với hàng trăm hộ dân sống và canh tác ruộng, rẫy ngay trong vùng lõi, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn luôn đối mặt với tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy.

Biến rừng thành… rẫy

Chúng tôi theo chân ông Nguyễn Hữu Tạo, Hạt phó Hạt Kiểm lâm VQG Yok Đôn băng rừng đi vào buôn Đrang Phốk (thuộc xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) hiện đang có 119 hộ với 481 nhân khẩu sinh sống và canh tác 177,26 ha ruộng rẫy ngay trong vùng lõi của VQG Yok Đôn. Con đường từ tỉnh lộ 1 vào buôn Đrang Phốk xuyên qua giữa rừng, hai bên đường không khó để bắt gặp những khu nương rẫy người dân đã canh tác nằm rải rác xen giữa những cánh rừng. Ở nhiều khu nương rẫy, chủ nhân dùng dây thép gai rào lấn sang cả những cánh rừng. Khi cán bộ Vườn yêu cầu tháo dỡ thì họ lấy lý do để ngăn không cho các loài gia súc vào phá hoại mùa màng, nhưng thực tế là để bao chiếm đất trái phép. Từ đó, lợi dụng trong mùa khô thảm thực bì ở đây khô, người dân sẽ lấn phát dọn, dồn lớp thực bì này xuống dưới những gốc cây gỗ lớn rồi đốt. Cây lớn bị cháy sẽ chết dần, biến đất rừng thành đất trống để canh tác. “Việc lấn chiếm đất rừng theo hình thức này để làm rẫy diễn ra từ từ, âm thầm nên rất khó phát hiện, xử lý”, ông Tạo cho hay.

Để lấn chiếm đất rừng, người dân thường ken gốc những cây lớn cho chết dần nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn.
Để lấn chiếm đất rừng, người dân thường ken gốc những cây lớn cho chết dần nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn.

Năm 2012, VQG Yok Đôn đã thành lập đoàn tiến hành tháo dỡ những hàng rào bao chiếm rừng kiểu này nhưng gặp phải sự chống đối quyết liệt, một số thành viên của Đoàn bị người dân đánh nên phải dừng việc tháo dỡ. Theo thống kê, khi Vườn được mở rộng như hiện nay (năm 2002) có 353 ha ruộng, rẫy mà người dân đang canh tác nằm trong vùng lõi, nhưng đến năm 2012, người dân đã phá, bao chiếm thêm 29,8 ha rừng. Đặc biệt, từ đầu năm 2018 tình trạng phá rừng làm nương rẫy gia tăng cả về số vụ lẫn quy mô, đã có 4 vụ phá rừng để lấy đất làm nương rẫy với diện tích gần 3 ha. Cả 4 vụ việc đã được VQG Yok Đôn chuyển giao cho Công an huyện Buôn Đôn điều tra, xử lý. 

Ông Phạm Tuấn Linh - Quyền Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết, những diện tích ruộng rẫy này đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã khai phá và canh tác từ trước cả khi thành lập Vườn. Do đó, khi Vườn thành lập thì vẫn để diện tích này cho bà con canh tác với cam kết không lấn chiếm, xâm hại đến tài nguyên rừng. Tuy nhiên, người dân vẫn lén lút bao chiếm rừng, phá rừng để lấy đất sản xuất. Hiện nay, ngoài việc phải “căng mình” ngăn chặn tình trạng người dân vào Vườn khai thác lâm sản trái phép, cộng thêm nạn phá rừng làm nương rẫy ngày càng có chiều hướng gia tăng khiến công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị càng thêm khó khăn. “Việc người dân sinh sống và canh tác ruộng rẫy trong vùng lõi của Vườn khiến việc quản lý người ra vào Vườn gặp rất nhiều khó khăn, tài nguyên rừng dễ bị xâm hại. Ngoài ra, hiện nay ở đây còn xuất hiện tình trạng một số người dân ở nơi khác vào mua lại nương rẫy của người dân tại chỗ. Điều này dẫn đến việc một số hộ dân khi không còn đất sản xuất sẽ quay sang lấn chiếm đất rừng”, ông Linh lo lắng.

Cần tạo sinh kế ổn định cho người dân vùng đệm

Để từng bước ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, VQG Yok Đôn đã phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy để răn đe. Cùng với đó, Vườn cũng tăng cường tuyên truyền công tác quản lý, bảo vệ rừng cho người dân ở sống xung quanh khu vực rừng. Đồng thời triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với người dân sống gần rừng như: tiến hành giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho 19 thôn, buôn vùng đệm thuộc các xã Ea Huar, Krông Na, Ea Wer (huyện Buôn Đôn) và Cư M’lan (huyện Ea Súp) với diện tích 14.550 ha, mức chi trả 400.000 đồng/ha/năm theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 – 2020; hỗ trợ cho 40 thôn, buôn  (mỗi đơn vị 40 triệu đồng/năm) để đầu tư nâng cao năng lực sản xuất (khuyến nông, khuyến lâm, giống cây con, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ); hỗ trợ vật liệu cho thôn, buôn xây dựng các công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông, nhà văn hóa... theo Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng, giai đoạn 2011 – 2020.

  Hiện trường vụ hủy hoại hơn 7.000 m2 rừng ở Tiểu khu 458 thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn phát hiện ngày 26-2-2018.
Hiện trường vụ hủy hoại hơn 7.000 m2 rừng ở Tiểu khu 458 thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn phát hiện ngày 26-2-2018.

Theo ông Phạm Tuấn Linh - Quyền Giám đốc VQG Yok Đôn, những chính sách này đã góp phần tạo nguồn thu nhập thêm cho một số hộ dân sống gần rừng, giảm bớt sự phụ thuộc vào rừng. Tuy nhiên, Vườn hiện có 89 thôn, buôn thuộc hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông với khoảng 14.000 hộ dân sinh sống ở khu vực vùng đệm. Cuộc sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nguồn vốn từ những chính sách này rất hạn chế nên chưa tạo được sự thay đổi thực sự trong các cộng đồng dân cư sống gần rừng. Chính vì thế, về lâu dài Nhà nước cần có nhiều các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống gần rừng mới giảm được sự phụ thuộc của người dân vào rừng.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.