Multimedia Đọc Báo in

Lưu giữ "nỗi đau" của rừng

10:33, 25/04/2019

Trong phòng trưng bày của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, ngoài việc lưu giữ, trưng bày hàng trăm những mẫu động vật, thực vật thu thập từ rừng, có một góc đặc biệt để lưu giữ và giới thiệu những phương tiện, công cụ phá rừng được “lâm tặc” sử dụng để “ăn” rừng.

Bên trong phòng trưng bày, có một chiếc tủ kính chứa đủ loại công cụ như cưa xăng, bẫy thú, súng săn…. Xung quanh căn phòng là những chiếc xe máy, xe đạp, xe kéo với hình thù kỳ lạ. Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn giới thiệu: “Tất cả công cụ, phương tiện này đều được lực lượng chức năng của Vườn thu giữ được trong quá trình tuần tra bảo vệ rừng. Mỗi loại có một tính năng, nhưng chung quy lại chúng được chế tạo để hỗ trợ "lâm tặc" khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trong Vườn được nhanh và nhiều hơn”.

Một chiếc xe độ chế dùng để chở gỗ trái phép trưng bày tại Phòng trưng bày  của Vườn Quốc gia Yok Đôn.
Một chiếc xe độ chế dùng để chở gỗ trái phép trưng bày tại Phòng trưng bày của Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Tôi không khỏi ngạc nhiên khi đến bên một chiếc xe máy có hình thù quái dị bởi có nhiều bộ phận “thừa” so với những chiếc xe máy mà tôi thường thấy. Như đoán được thắc mắc của tôi, ông Phương giải thích: Để có một chiếc xe “chiến” chở gỗ như thế này, "lâm tặc" tìm mua loại xe không giấy tờ, giá rẻ, rồi đưa đến các tiệm sửa chữa đôn nòng nâng công suất máy, bộ khung được gia cố bằng nhiều cây thép lớn, lắp thêm 3 - 4 cặp nhún, thay bình xăng lớn hơn…

Một số xe "lâm tặc" còn độ thêm tời để đưa gỗ lên xe dễ dàng hơn. Mỗi chiếc có thể chở từ 0,2 - 0,3 m3 gỗ (khoảng 2 - 3 tạ), dễ dàng vượt qua những địa hình rừng núi phức tạp, khó khăn. Bên cạnh chiếc xe máy độ chế là chiếc xe đạp thồ “siêu xe”, với khung gia cố bằng nhiều thanh thép, vành, lốp đều được thay thế bằng loại dùng cho xe máy, mỗi lần có thể thồ khoảng từ 0,5 - 1 m3 gỗ. Đây là loại phương tiện thường xuyên được sử dụng bởi chở nhiều gỗ nhưng lại khó bị phát hiện vì không gây tiếng ồn và có thể len lỏi vào sâu trong rừng.

Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn giới thiệu tính năng của một chiếc bẫy thú rừng trong VQG Yok Đôn.
Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn giới thiệu tính năng của một chiếc bẫy thú rừng trong VQG Yok Đôn.

Trong số nhiều loại công cụ, phương tiện ở đây, những chiếc bẫy thú với chủng loại, kích cỡ khác nhau được xem như đối tượng gieo rắc tai ương đối với muông thú ở nơi rừng thẳm. Với hàng chục loại như: bẫy dây, bẫy sập, bẫy cạp… được ngụy trang kỹ lưỡng đặt ở những khu vực thú rừng thường xuyên qua lại chờ sẵn. Thú rừng không may vướng vào những chiếc bẫy này, nặng thì mất mạng, may mắn thoát ra thì cũng mang thương tật suốt đời. Để minh chứng cho mức độ phá rừng kinh khủng của những công cụ, phương tiện này, VQG Yok Đôn đã trưng bày thêm những bức ảnh chụp cảnh cây rừng bị đốn hạ, những chiếc xe máy, xe đạp chở gỗ. Ám ảnh hơn là hình ảnh thú rừng dính bẫy bị treo ngược lên không trung, chết vì bị thương, đói khát...

Ông Trần Đức Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Môi trường và Dịch vụ VQG Yok Đôn cho hay, khu trưng bày hiện vật phá rừng giúp du khách thấy được những cánh rừng của Vườn đang đối diện với áp lực từ nạn khai thác lâm sản trái phép. Đơn vị cũng coi đây là một kênh truyền thông, giáo dục môi trường của đơn vị, khi du khách chứng kiến những công cụ, phương tiện và thủ đoạn tàn nhẫn của "lâm tặc" săn bắn động vật rừng để lấy thịt, xương, da… sẽ thấy được sự dã man đằng sau những sản phẩm từ động vật rừng vẫn được giới thiệu, bày bán trên thị trường. Và mong muốn du khách hiểu, không sử dụng các sản phẩm khai thác trái phép từ rừng cũng đã góp một phần bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng.

Trong năm 2018, VQG Yok Đôn phát hiện, xử lý 307 vụ vi phạm lâm luật, thu giữ 303 công cụ, phương tiện, gồm 86 xe đạp, 66 xe máy, 51 cưa máy, 46 cái cưa tay, 36 chiếc bẫy thú, 16 khẩu súng, 1 xe cải tiến và 1 xe máy cày.


Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.