Multimedia Đọc Báo in

Suy ngẫm từ một bản án dân sự

09:23, 10/02/2020

Theo nội dung bản án số 18/2019/DSST ngày 22-8-2019 của TAND huyện Cư Kuin, vào ngày 16-4-2015, hộ gia đình ông Trần Đình Khai và bà Nguyễn Thị Liễu (ở thôn 3, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) làm thủ tục chuyển nhượng 2 lô đất tại thôn 3 xã Ea Ktur có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là lô số BN 084058 diện tích 394 m2 cho ông Bùi Tuấn Việt và  lô BN 084056 diện tích 312 m2 cho ông Lê Văn Cần (đều trú TP. Buôn Ma Thuột).

Cả hai hợp đồng chuyển nhượng có ký tên các thành viên trong gia đình, gồm vợ chồng ông Khai, bà Liễu, chị Trần Thị Diệu Hiền (sinh năm 1988, con cả) và 2 người em trai của chị Hiền là Trần Mạnh Hùng (SN 1990) và Trần Thiện Thanh (SN 1992) và được Văn phòng công chứng Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) công chứng. Tuy nhiên chị Hiền cho rằng chị không hề biết và cũng không hề ký vào 2 hợp đồng chuyển nhượng này. Chị cho rằng các hợp đồng chuyển nhượng đã được công chứng trái phép, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chị nên đề nghị Tòa án hủy bỏ việc công chứng này.

Quá trình giải quyết vụ kiện, trên cơ sở kết quả giám định của Phòng kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh Đắk Lắk, TAND huyện Cư Kuin đã xác định: chữ ký cùng với dấu vân tay đứng tên chị Hiền trong các hợp đồng chuyển nhượng nói trên là của chị Đặng Thị Ngà (cháu của bà Liễu). Do vậy Tòa nhận định việc ký này là “có sự lừa dối và vi phạm pháp luật”, yêu cầu khởi kiện của chị Hiền (với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) là có căn cứ. Tòa xác định các hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu một phần (phần của chị Hiền). Tuy nhiên Tòa không chấp nhận hủy bỏ việc công chứng.

Hai giao dịch giữa gia đình ông Khai, bà Liễu với ông Việt và với ông Cần theo nhận định của Tòa án là “có sự lừa dối và vi phạm pháp luật”, do đó việc công chứng của Phòng công chứng Tây Nguyên cũng là trái pháp luật, hệ quả dẫn tới là các văn bản công chứng của tổ chức này không còn có giá trị. Văn bản công chứng không có giá trị đồng nghĩa các hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu toàn bộ chứ không thể là “vô hiệu từng phần”. Bởi theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự 2015 (Điều 123. Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội): “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu”. Và như vậy, việc TAND huyện Cư Kuin không chấp nhận yêu cầu của chị Trần Thị Diệu Hiền đòi hủy bỏ việc công chứng của Phòng công chứng Tây Nguyên là đồng nghĩa với việc Tòa chấp nhận hành vi công chứng sai của tổ chức công chứng này. Đây là điều không bình thường cần được ngành Tư pháp tỉnh và các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ.

Ngọc Quyên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.