Multimedia Đọc Báo in

Khởi sắc giáo dục vùng khó

11:24, 06/05/2015

Với sự đầu tư toàn diện của Nhà nước, sự tận tụy, tâm huyết của đội ngũ thầy, cô giáo, đặc biệt là truyền thống hiếu học của người dân, ngành giáo dục huyện Krông Bông đang dần thoát khỏi “vùng trũng”, từng bước vươn lên, trở thành điểm sáng về giáo dục đào tạo của tỉnh.

Cách đây không lâu, trong một lần trò chuyện về giáo dục thời kháng chiến chống Mỹ, thầy giáo Nguyễn Văn Để - cựu giáo viên vùng căn cứ H9 - đang sinh sống ở xã Khuê Ngọc Điền sung sướng nói: “Thật mãn nguyện khi con cháu được học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp. Các cháu không chỉ học văn hóa mà còn được dạy ngoại ngữ, vi tính, kỹ năng sống từ bậc tiểu học để phát triển toàn diện trí, thể, mỹ. Không như trước giải phóng trường, lớp, bàn, ghế, sách vở đều thiếu thốn. Căn cứ H9 chỉ có vài lớp học, chưa đến trăm học sinh”. Sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt từ khi thành lập huyện Krông Bông (năm 1981), nhờ nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, lĩnh vực giáo dục – đào tạo Krông Bông có những bước tiến vượt bậc về quy mô trường lớp, số lượng học sinh (HS), giáo viên, cơ sở vật chất cũng như chất lượng dạy và học. Năm học đầu tiên thành lập huyện (1981-1982), chỉ có 10 trường học mẫu giáo (MG), TH và THCS (lúc bấy giờ gọi là cấp 1, cấp 2); cơ sở vật chất trường học chủ yếu là tranh tre, nứa lá, với 7.853 HS. Năm học 2014-2015, toàn huyện có 58 trường học khang trang từ mầm non đến trung học phổ thông, gồm 2 trường THPT, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú, 1 Trung tâm GDTX, 54 trường THCS, TH, MG, với hơn 25.000 HS. Ngoài ra 14 xã, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng (đạt 100%), tạo cơ hội học tập suốt đời, nâng cao hiểu biết của người dân về các lĩnh vực đời sống xã hội.

Một tiết học của cô và trò Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông).
Một tiết học của cô và trò Trường Mẫu giáo Cư Pui (huyện Krông Bông).

Nhớ lại ngày đầu, đội ngũ cán bộ, giáo viên lúc mới thành lập huyện chỉ có 317 người, hầu hết tăng cường từ các tỉnh miền Bắc, duyên hải miền Trung. Đến nay Ngành đã có lực lượng cán bộ, giáo viên gần 1.800 người, hầu hết đạt trình độ chuyên môn chuẩn và trên chuẩn. Trong điều kiện địa phương vùng sâu còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đại đa số các thầy giáo, cô giáo ở huyện vẫn kiên trì bám trụ, tâm huyết với nghề. Đáng trân trọng là trong gian khó vẫn không hiếm câu chuyện cảm động về những thầy, cô giáo đem sức trẻ, tri thức và nhiệt huyết về thắp sáng vùng sâu. Họ đều có chung tâm nguyện là cố gắng truyền đạt kiến thức, giúp học sinh nghèo theo đuổi ước mơ đến trường. Cô giáo Lê Văn Thị Thanh Duyên, Trường THCS Cư D’răm tâm sự: “Ai cũng có một mặt trời cho riêng mình, mặt trời sẽ sưởi ấm khi phải đối diện với gian nan thử thách, tiếp thêm ý chí để vượt qua khó khăn, vất vả. Mặt trời của tôi là HS nơi vùng khó với khát khao cháy bỏng  được học để làm người”. Còn cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui) luôn đau đáu “giáo dục tốt phải bắt đầu từ môi trường học tập tốt”. Sau nhiều nỗ lực, năm học 2014-2015 này, Trường Mẫu giáo Cư Pui đã được đầu tư xây dựng khang trang, đẹp đẽ hơn, với đầy đủ trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi trong nhà và ngoài trời, trị giá trên 1,2 tỷ đồng, trở thành điểm nhấn về phát triển giáo dục của xã vùng sâu. Chưa hết, UBND xã Cư Pui còn vận động các đoàn thể trong xã và huy động nhân dân đóng góp ngày công, 100 triệu đồng bê tông hóa sân trường để các cháu có nơi vui chơi an toàn, sạch đẹp. Nhà trường cùng với phụ huynh tổ chức học bán trú dân nuôi cho gần 50 cháu. Mô hình này là một minh chứng cho nỗ lực của chính quyền địa phương và nhà trường, thể hiện sự nhận thức về xã hội hóa giáo dục của người dân.

Có thể khẳng định, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự tận tụy, tâm huyết của đội ngũ thầy, cô giáo và sự đồng thuận của nhân dân, huyện Krông Bông đã hoàn thành nhiều mục tiêu giáo dục như: phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ I, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác giáo dục dân tộc, giáo dục hòa nhập đạt được những kết quả đáng ghi nhận; chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn nâng lên rõ rệt. Hằng năm tỷ lệ HS lên lớp ở các bậc học đạt 97-98%, tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 98%, tốt nghiệp THPT đạt 95-97%; bình quân mỗi năm hơn 300 HS thi đỗ ĐH, CĐ. Đặc biệt là số HS đoạt giải tại các kỳ thi HS giỏi các cấp tăng qua từng năm. Riêng năm học 2013-2014, toàn huyện có hơn 350 HS giỏi cấp huyện, 31 HS giỏi cấp tỉnh, 5 HS giỏi quốc gia. Ngành Giáo dục Krông Bông còn đạt những thành tích cao tại nhiều hội thi, hội diễn do Sở GD-ĐT tổ chức. Với kết quả trên, huyện Krông Bông là một trong các đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào thi đua “Hai tốt”, nhiều tập thể, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh, Sở GD-ĐT tặng Bằng khen, Giấy khen.

Theo thời gian, ngành Giáo dục huyện Krông Bông đã không ngừng phát triển. Từ những xã vùng sâu, vùng xa hay trung tâm thị trấn giờ cũng khó nhận ra khoảng cách. Cơ sở vật chất trường học được xây dựng khang trang, lực lượng giáo viên được đào tạo bài bản là điều kiện để huyện vùng sâu thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.