Multimedia Đọc Báo in

Cô hiệu trưởng giản dị của buôn làng

11:23, 20/11/2015
Nói đến cô giáo Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Mầm non Búp Sen Hồng, xã Cư Dliê M’nông (huyện Cư M’gar), bà con các buôn làng nơi đây ai cũng khen ngợi bởi gần 30 năm công tác, chị luôn gần gũi, giản dị, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, giao tiếp thông thạo tiếng Êđê. Bà con coi cô giáo Nga như người con của buôn làng mình.

Từ nhỏ, cô gái xứ Nghệ Nguyễn Thị Nga đã luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo. Năm 1986, sau khi tốt nghiệp lớp Sư phạm Mẫu giáo, cô về dạy tại Trường Nguyễn Đức Cảnh, phân hiệu buôn Tâng Liă, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar). Dạy học tại buôn làng giữa đại ngàn heo hút khi đất nước bắt đầu bước qua khỏi thời kỳ bao cấp còn rất nhiều khó khăn song với sự nỗ lực hết mình, cô đã sớm hòa nhập với cuộc sống của bà con, đạt được nhiều thành tích trong công tác giảng dạy. Năm 1994, cô Nguyễn Thị Nga được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Mầm non Drao, xã Cư Dliê M’nông. Đến năm 2011, khi Trường Mầm non Búp Sen Hồng được thành lập, cô lại đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng ở  ngôi trường cách xa trung tâm huyện với đặc thù gần 90% học sinh là người Êđê, trường có 3 phân hiệu nằm rải rác ở các thôn buôn, việc huy động học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn. Do nhận thức của người dân còn thấp, nên một số gia đình muốn con em mình theo cha mẹ lên nương rẫy hơn là đến trường, trước tình hình đó, cô Nga cùng giáo viên của trường phối hợp với các già làng, trưởng buôn đến từng hộ để vận động, thuyết phục người dân đưa trẻ đến trường. Nhờ vậy, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi Mầm non đến lớp luôn đạt 100%.

Cô Nguyễn Thị Nga (bìa trái) đang vận động phụ huynh  đưa trẻ đến trường.
Cô Nguyễn Thị Nga (bìa trái) đang vận động phụ huynh đưa trẻ đến trường.

Bà Amí H’Dương, người dân ở buôn Brãh cho biết: “Bà con  trong buôn quý cô giáo Nga lắm, cô luôn vui vẻ giúp đỡ mọi người nhiệt tình. Ban đầu các cháu trong buôn đến trường còn rụt rè, ít nói. Nhưng sau một thời gian học tập các cháu đều tiến bộ hẳn, chào hỏi rất lễ phép và tiếp thu tốt những gì đã được học trên lớp”. Với tình yêu nghề, cô luôn trăn trở tìm giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dạy trẻ 3-5 tuổi học tốt lĩnh vực phát triển ngôn ngữ, giúp các cháu giao tiếp tốt; chú trọng công tác nuôi dạy, chăm sóc, làm giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Cô Nga còn quan tâm, chia sẻ với đồng nghiệp, nhất là những cô giáo trẻ mới ra trường về nhận nhiệm vụ tại trường; giúp các cô tìm hiểu phong tục tập quán, làm quen  với nếp sống, nếp nghĩ của đồng bào nơi đây để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với sự góp sức của cô hiệu trưởng yêu nghề, mến trẻ, Trường Mầm non Búp Sen Hồng hiện nay đã có cơ sở vật chất khá khang trang với 8 phòng học được đầu tư xây dựng khá kiên cố. Trường có đủ các phòng, lớp học, công trình vệ sinh, hệ thống bếp ăn, khuôn viên xanh, sạch, đẹp; các trang thiết bị giảng dạy bảo đảm cho hơn 233 cháu vui chơi, học tập thoải mái. 

Cô Nguyễn Thị Nga còn là một người vợ đảm, mẹ hiền trong gia đình; các con của cô đều trưởng thành.

Với những thành tích trong công việc, cô giáo Nguyễn Thị Nga nhiều năm liền được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 5 năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong đó có 3 năm liên tục là lao động giỏi, giáo viên hai giỏi, lao động tiên tiến… 

Trung Hải


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.