Multimedia Đọc Báo in

"Hiệp ước xã hội" trong giáo dục nghề nghiệp

08:30, 01/12/2019

Quy mô dân số của Việt Nam hiện đứng thứ 14 trên thế giới và đặc biệt quy mô nền kinh tế đứng vào khoảng thứ 40 nhưng nước ta chưa vào được Top 50 thế giới về đào tạo nghề nghiệp.

Thời gian qua, Việt Nam đã xác định được đến 130 nghề trọng tâm, 40 trường nghề trọng điểm, chất lượng cao. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nói chung còn thấp.

Việt Nam có số lao động đứng thứ ba ASEAN nhưng lực lượng lao động, nhất là lao động đã qua đào tạo mới đạt trên 22%, chỉ bằng 1/3 Hàn Quốc, Singapore.

Điều đáng nói nữa là năng suất lao động vẫn hạn chế; còn phổ biến tình trạng thiếu thầy, thiếu cả thợ; tâm lý chung của nhiều phụ huynh là con mình không vào được đại học thì mới học nghề.

Nhiều người làm trái ngành nghề; chưa có sự tổng hợp phân tích, đánh giá lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài quay về nước.

Nâng cao năng suất, chất lượng lực lượng lao động, trong đó có giáo dục nghề nghiệp là một trong những câu chuyện đóng vai trò sống còn để đổi mới mô hình, cải thiện tốc độ tăng trưởng và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế.

Tại Diễn đàn quốc gia “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” được tổ chức trung tuần tháng 11 vừa qua, đã có ý kiến thiết kế và đề xuất về xây dựng “hiệp ước xã hội” trong giáo dục nghề nghiệp.

Đó là cơ chế hợp tác giữa nhà trường, doanh nghiệp và Chính phủ trên các lĩnh vực ngành nghề trọng điểm. Và các bên sẽ là những hạt nhân, cầu nối để gắn kết nội dung, chất lượng đào tạo nhân lực kỹ năng cao với nhu cầu thị trường và nền kinh tế.

Một cơ sở đào tạo nghề may gia công tại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana).   Ảnh: H.Tuyết
Một cơ sở đào tạo nghề may gia công tại xã Quảng Điền (huyện Krông Ana). Ảnh: H.Tuyết

Cụ thể, Chính phủ thực hiện chính sách ưu đãi với tinh thần cơ sở giáo dục nghề nghiệp nào, doanh nghiệp nào tham gia đào tạo, sử dụng nhiều học viên từ cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì được hưởng ưu đãi.

Đối với nhà trường, nhiệm vụ trọng tâm là tập trung tạo điều kiện cho giảng viên nâng cao chất lượng chuyên môn, giảng dạy, trang thiết bị học tập, thực hành; tiếp cận kỹ năng mới từ doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

Nếu ví quốc gia là con thuyền, thì doanh nghiệp là những tay chèo, nếu tay chèo yếu thì con thuyền không vượt lên được. Theo đó, trong hiệp ước để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam, doanh nghiệp sẽ có vai trò quan trọng, cần được tham gia xây dựng nội dung đào tạo, cử cán bộ tham gia đào tạo...

Nguyên tắc chung khi phát triển câu chuyện dài kỳ này là cần bám sát hơn nữa vào nhu cầu thực tiễn của thị trường, bảo đảm hài hòa cung cầu về lao động có kỹ năng nghề.

Thêm nữa một “lỗ hổng” lớn bấy lâu cần được lấp đầy là nâng cao tính dự báo và dự báo sớm được nhu cầu nhân lực kỹ năng cao của doanh nghiệp và nền kinh tế trong giai đoạn tới để định hướng hợp tác doanh nghiệp, nhà trường. Và trong dòng chảy hợp tác, toàn cầu hóa, việc phát triển đào tạo nghề cần gắn với chuẩn mực chất lượng quốc tế để đáp ứng yêu cầu cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thuận Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.