Multimedia Đọc Báo in

Ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa...

08:39, 29/12/2020

Không chỉ cưu mang, nuôi dưỡng, Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, Dòng Nữ vương Hòa Bình (TP. Buôn Ma Thuột) còn có nhiều phương pháp giáo dục rất thiết thực, ý nghĩa đối với các em học sinh dân tộc thiểu số.

Để các em thêm yêu văn hóa truyền thống

Hằng ngày sau những giờ học trên lớp, em H’Biun H’long và các bạn nữ sống tại Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa lại tập trung về ngôi nhà dài để cùng nhau học may vá, thêu thùa. Miệt mài bên khung cửi, H’Biun cho biết: “Em sẽ cố gắng chăm chỉ học để có thể dệt được nhiều loại họa tiết, hoa văn đẹp và sắc sảo hơn nữa, góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc”.

Còn em Tis, dân tộc Xê Đăng (xã Ea Uy, huyện Krông Pắc) lại có niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc. Sau khi được các nghệ nhân có kinh nghiệm chỉ dạy cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc thì Tis đã tự mày mò và học hỏi để làm ra các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên như đàn T’rưng, đàn đá, đàn nước, sáo vỗ, bộ đệm gõ…

Biểu diễn thành thạo và chế tác thành công các loại nhạc cụ dân tộc, em Tis là một trong những thành viên chủ chốt của đội văn nghệ Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa thường xuyên tham gia biểu diễn tại các chương trình, ngày hội lớn trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, nhiều em còn biết tận dụng những thớ gỗ bỏ đi hay những vật dụng bằng gỗ còn khả năng tái chế để làm nên những sản phẩm mỹ nghệ nhỏ nhắn, đẹp mắt như mô hình nhà sàn của người  Êđê, nhà ở của người Xê Đăng, chuông gió…

Các em học sinh cùng sơ ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa thu hoạch rau.
Các em học sinh cùng sơ ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa thu hoạch rau.

Theo sơ Nguyễn Thị Thuận, phụ trách Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa, tất cả các em ở tại đây đều là người dân tộc thiểu số. Ngoài việc học văn hóa, các em còn được học một số nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đánh cồng chiêng, chế tác và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, làm đồ thủ công mỹ nghệ…

Ban đầu, Nhà lưu trú mời các nghệ nhân dạy và bồi dưỡng thêm kiến cho các em, dần dà khi đã thành thạo thì các anh chị lớn sẽ chỉ dạy lại cho các em nhỏ khác. Khi các em đã thạo nghề, các sơ trong Nhà lưu trú đến các điểm tham quan, khu du lịch, cửa hàng bán đồ lưu niệm để giới thiệu và tìm kiếm nơi tiêu thụ sản phẩm thủ công do các em làm ra; đồng thời thành lập các đội văn nghệ tham gia biểu diễn nhiều nơi như khu du lịch Buôn Đôn, Bảo tàng tỉnh, Trung tâm Văn hóa tỉnh … giúp các em có thêm chi phí để trang trải việc học cũng như có động lực yêu và giữ nghề truyền thống của dân tộc.

Giáo dục kỹ năng sống

Cùng với việc nỗ lực giữ gìn văn hóa truyền thống, các sơ ở Nhà lưu trú còn mong muốn các em hiểu được giá trị của lao động cũng như trang bị thêm kỹ năng sống để khi bước ra đời có thể đứng vững trên đôi chân của mình. Hằng ngày, sau giờ học các em sẽ tham gia trồng rau, chăm sóc vườn cây ăn quả, vật nuôi tại khu trang trại của Nhà lưu trú. Em H’Vân, dân tộc M’nông (huyện Đắk Mil, Đắk Nông) chia sẻ: “Sau mỗi buổi học căng thẳng, em và các anh chị ở nhà lưu trú sẽ có một tiếng đồng hồ để cùng nhau trồng rau, chăm sóc đàn heo, bò. Qua đó đã tạo được sự gắn kết gần gũi, thân thiết giữa các thành viên trong ngôi nhà chung lại với nhau”.

Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa hiện đang nuôi dạy 202 em từ lớp 1 đến 12 thuộc 14 dân tộc khác nhau như Êđê, Xê Đăng, H’mông, Thái, Tày, Nùng… đến từ các tỉnh thành trên cả nước. Đây đều là những học sinh nghèo, mồ côi, không nơi nương tựa, vì hoàn cảnh khó khăn mà dở dang việc học.

Theo sơ Nguyễn Thị Thuận, thông qua mô hình trồng trọt, chăn nuôi để giáo dục các em về tính kỷ luật, tình yêu thiên nhiên và biết trân quý những thành quả lao động. Khi trở về buôn làng, các em sẽ trở thành những hạt nhân tiên phong cho lối canh tác hiện đại, tôn trọng thiên nhiên, đặt lợi ích môi trường và cộng đồng lên hàng đầu; góp sức xây quê hương giàu đẹp.

Các em học sinh ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa tham gia thu hoạch rau.
Các em học sinh ở Nhà lưu trú sắc tộc Têrêsa tham gia thu hoạch rau.

Đặc biệt, các sơ và các em học sinh ở Nhà lưu trú đã xây dựng thành công mô hình trồng rau sạch đạt tiêu chuẩn Organic để cung cấp cho Công ty TNHH Rau cười Việt Nhật (TP. Hồ Chí Minh) và trở thành nơi tham quan, học tập của nhiều sinh viên thực tập Nhật Bản, Đài Loan. Hiện vườn rau rộng hơn 1,5 ha trồng đủ loại rau ăn lá, rau thơm, củ quả... được trồng trong nhà kính và ngoài môi trường tự nhiên. Mùa nào thứ nấy, tất cả rau củ ở đây đều được trồng thủ công, không thuốc trừ sâu, phân hóa học.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.