Multimedia Đọc Báo in

Dạy và học trực tuyến: Những khó khăn từ thực tế (Kỳ 2)

08:22, 24/04/2020

Kỳ2: Nỗi niềm dạy, học trực tuyến

Theo tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không ngừng học”, ngay sau khi có hướng dẫn của ngành Giáo dục, các trường học trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực tận dụng mọi nền tảng công nghệ để triển khai dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề này có nhiều “nỗi niềm” của cả thầy và trò cũng như phụ huynh học sinh.

Giáo viên thiếu kinh nghiệm

Huyện Cư M’gar có 22 trường THCS và 35 trường tiểu học, nhưng chỉ có 8 trường THCS và 12 trường tiểu học triển khai dạy học trực tuyến với khoảng 11.000 tài khoản trên tổng số hơn 37.000 học sinh. Các trường đều bám sát nội dung hướng dẫn của ngành Giáo dục, song do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là việc thiếu phương tiện tiếp cận của học sinh khiến việc triển khai dạy, học trực tuyến ở các xã xa trung tâm rất hạn chế.

Từ đầu tháng 3-2020, Trường THCS Nguyễn Tất Thành (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) đã triển khai ôn luyện trực tuyến cho học sinh tất cả các khối, song đến nay vẫn còn nhiều em ở các xã xa trung tâm chưa tiếp cận được chương trình trực tuyến. Thiếu phương tiện và đường truyền kết nối Internet nên tỷ lệ học sinh tham gia chỉ đạt khoảng 75%. Song song với dạy trực tuyến trên ứng dụng Microsoft Teams, các thầy cô cũng chủ động giao bài tập bằng bản Word qua các nhóm Zalo để các em chưa tham gia học trực tuyến có thể tải về tự học tại nhà. Tình trạng nghẽn mạng, đường truyền gián đoạn hoặc phương tiện chưa tương thích với phần mềm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình tương tác giữa thầy và trò.

Thầy Nguyễn Châu Long, giáo viên môn Toán Trường THCS Nguyễn Tất Thành cho biết, phần mềm dạy trực tuyến hoàn toàn mới nên thầy và trò phải mất một thời gian làm quen, vừa giải thích cho học sinh, vừa giải thích cho phụ huynh để hỗ trợ các em trong việc học. Tình trạng nghẽn mạng, đường truyền không ổn định nhiều lúc khiến cả thầy và trò “mướt mồ hôi”. Giáo viên phải chủ động khắc phục bằng cách gửi trước nội dung buổi học lên ứng dụng kết hợp với ghi lại nội dung buổi học để các em tiếp cận trước hoặc xem lại khi thích hợp.

Thầy Nguyễn Châu Long (Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar)  trong một buổi dạy trực tuyến.
Thầy Nguyễn Châu Long (Trường THCS Nguyễn Tất Thành, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar) trong một buổi dạy trực tuyến.

Cô giáo Mai Thị Chuyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) chia sẻ, trường phải thay đổi nhận thức của thầy cô vì trước đây họ chưa từng dạy trực tuyến. Nhiều người còn bỡ ngỡ trong việc chuẩn bị nội dung cũng như phương thức dạy, chưa kể có những giáo viên lớn tuổi, việc tiếp cận công nghệ thông tin rất khó khăn, lúng túng.

 
“Không chỉ học sinh ngơ ngác, phụ huynh lúng túng mà ngay cả giáo viên cũng chưa có nhiều kinh nghiệm xử lý khi các thiết bị gặp trục trặc nên có học sinh khi vào được hệ thống, buổi học trực tuyến đã gần kết thúc, hoặc đang học thì đường truyền bị gián đoạn, mất tiếng, mất hình...” 
 
Một phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ

Nhiều giáo viên tâm tư, trước mỗi giờ dạy trực tuyến, thông qua các nhóm trên mạng xã hội, giáo viên phải “rao” lịch học liên tục trong nhiều ngày để các em sắp xếp thời gian tham gia nhưng tỷ lệ tham gia cũng phập phù, chỉ từ 50-70%; chưa kể trong lúc học, nhiều em không tập trung, nói chuyện riêng… khiến giờ học không đạt hiệu quả như mong muốn.

Phụ huynh lúng túng

Từ đầu tháng 4, Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) triển khai học trực tuyến theo hình thức là hướng dẫn học sinh vừa học trên kênh của Đài Truyền hình Hà Nội, vừa đăng nhập vào cổng học liệu của trường để tải bài tập về nhà tự làm. Thời gian đầu website của nhà trường hoạt động không ổn định nên việc tải bài tập cũng như nộp bài của học sinh khá vất vả, khiến nhiều phụ huynh phải thành lập nhóm để hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài cổng học liệu của trường, giáo viên còn tạo thêm một tài khoản trên một trang web khác để đưa bài tập cũng như thực hiện kiểm tra và chấm điểm cho học sinh. Tuy nhiên, sau hơn 2 tuần triển khai, nhiều phụ huynh vẫn chưa biết cách đăng nhập. Bên cạnh đó, đường truyền kém, kết nối không liên tục dẫn đến thời gian học bị đứt quãng. Chưa kể, môi trường mạng hiện rất phức tạp, việc học cần có sự hướng dẫn, giám sát của phụ huynh song phần lớn phụ huynh phải đi làm cả ngày nên không khỏi lo lắng, bất an khi để con phải tự học một mình trên mạng.

hầy Trần Huỳnh Tạo, giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám, xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar) hướng dẫn học sinh lớp 7A1 học trực tuyến.
Thầy Trần Huỳnh Tạo, giáo viên Trường THCS Hoàng Hoa Thám, xã Cư Dliê M'nông (huyện Cư M'gar) hướng dẫn học sinh lớp 7A1 học trực tuyến.

Với học sinh ở các cấp trung học việc học trực tuyến đã khó khăn thì việc học trực tuyến của học sinh tiểu học càng vất vả hơn. Chị N.T.L. có con học lớp 2 ở Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, từ khi con nghỉ học để phòng tránh dịch Covid-19 chị gặp rất nhiều khó khăn trong việc vừa chăm sóc con cái vừa bảo đảm công việc tại cơ quan nên khi trường triển khai học trực tuyến, chị đã phải xin nghỉ làm 1 tháng để ở nhà vừa chăm vừa kèm, hướng dẫn cho con học. Gia đình chị không có máy tính, phải sử dụng điện thoại nên gặp nhiều trở ngại. Thêm vào đó, bản thân chị lại không rành về công nghệ nên cũng loay hoay mất một thời gian.

(Còn nữa)

Lê Kim Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.