Multimedia Đọc Báo in

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc: Vẫn chưa hết "nóng"

08:13, 18/05/2019

Các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang trong tình trạng bế tắc, khi Washington yêu cầu những cam kết thay đổi cụ thể trong luật pháp Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh cho hay họ sẽ không nuốt bất kỳ "trái đắng" nào làm tổn hại đến lợi ích của mình.

Nguy cơ “vòng xoáy” thuế quan mới

Rào cản mới xuất hiện với việc Mỹ chỉ trích Trung Quốc đi ngược lại những cam kết trong đàm phán, khiến cuộc đàm phán “đã hoàn tất đến 90%” bị thụt lùi, và điều đó làm thay đổi thỏa thuận một cách căn bản, buộc Tổng thống Donald Trump áp dụng trở lại biện pháp tăng thuế.

Quyết định của Mỹ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10-5, được coi như “giọt nước làm tràn ly”, khiến việc hai bên tiến tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài trong hơn một năm qua lại trở nên bất khả.

Tổng thống Trump tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp quốc gia này vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, và nếu không đạt được thỏa thuận, ông sẵn sàng tiến xa hơn.

Đúng như tuyên bố, chưa đầy 24 giờ sau khi Washington tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, Tổng thống Trump đã ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 300 tỷ USD.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ hai, phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại Washington DC., ngày 10-5-2019.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (trái, phía trước) trong cuộc gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ hai, phải) và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer (phải) tại Washington DC., ngày 10-5-2019.

Trước "đòn" mới của Mỹ, Trung Quốc đáp trả bằng tuyên bố nâng mức thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1-6.

Xét về mặt kinh tế, Tổng thống Trump và các cố vấn của ông hiện đang rất tự tin rằng chính sách thuế quan của Washington sẽ giúp cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, đồng thời mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân và các doanh nghiệp Mỹ. Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 9-5 cho thấy thâm hụt thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong tháng này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua, theo đó hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc tăng, trong khi lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lại giảm. Kết quả này phần nào củng cố thêm lòng tin vào tính hiệu quả của các biện pháp thuế quan như một “công cụ quyền lực” nhằm giải quyết những bất đồng thương mại với các nước.

Bên cạnh đó, Tổng thống Trump tin rằng với sức mạnh và sự tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế, Mỹ có thể chống trả tất cả các biện pháp trả đũa thương mại cả các nước, trong đó có Trung Quốc.

Những rào cản khó vượt qua

Chính sách tăng thuế của Tổng thống Trump vẫn bị coi là “con dao hai lưỡi.” Đơn cử như với ngành nông nghiệp Mỹ, một trong những ngành chịu tổn thương lớn nhất kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung bùng phát: giá đậu nành của Mỹ hiện đã giảm xuống thấp nhất trong vòng 10 năm qua khi Trung Quốc giảm bớt sức mua những mặt hàng nông sản chủ chốt từ Mỹ. Chắc chắn ngành nông nghiệp của Mỹ sẽ còn phải hứng chịu nhiều khó khăn hơn nữa trong thời gian tới. Trong khi đó, đây được xem là một chủ đề quan trọng có thể chi phối nỗ lực của ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2020.

Trên thực tế, bản thân việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới “đình chiến thương mại” từ cuối năm ngoái để đàm phán, và triển vọng khá sáng sủa rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận thương mại thông qua “những tín hiệu lạc quan” phát đi sau các vòng đàm phán gần đây, phần nào cũng tạo lòng tin cho giới đầu tư và góp phần duy trì đà tăng trưởng ổn định cũng như mức thất nghiệp thấp cho nền kinh tế Mỹ trong quý 1 vừa qua. Nay “vòng xoáy” thuế quan mới giữa hai nước sẽ ảnh hưởng nặng nề tới lạm phát và thị trường lao động của Mỹ.

Đối với Trung Quốc, cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh phải chịu thiệt hại lớn hơn bởi nền kinh tế nước này dựa nhiều vào xuất khẩu hơn. Theo nhà kinh tế tại Viện Chính sách kinh tế (EPI), trung tâm nghiên cứu phân tích của Mỹ, ông Robert E Scott, trong năm 2018, Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ với tổng giá trị hàng hóa là 540 tỷ USD, chiếm 4% của nền kinh tế, trong khi chỉ nhập khẩu hàng hóa của Mỹ có giá trị 120 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc bị tổn thương nhiều hơn 7 lần so với Mỹ khi thương mại bị gián đoạn trong cuộc tranh chấp này.

Mặc dù đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đã đi tới giai đoạn cuối cùng, song giới phân tích đều nhận định vòng đàm phán then chốt trước vạch đích sẽ là khó khăn nhất bởi những rào cản còn lại trên hành trình này đều mang tính lợi ích cốt lõi và thực sự không dễ vượt qua.

Trung Quốc khó có thể dễ dàng chấp nhận những đòi hỏi từ phía Mỹ đối với những thay đổi mang tính hệ thống, như cải tổ cơ cấu kinh tế, sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ, hạn chế việc tiếp cận thị trường tài chính... bởi những yếu tố này sẽ tạo cho Mỹ ưu thế cạnh tranh lớn hơn trong tương lai, thậm chí có thể phần nào giúp Mỹ “kiểm soát” nền kinh tế Trung Quốc.

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tuyên bố rằng những khác biệt còn lại giữa Trung Quốc và Mỹ là “những vấn đề về nguyên tắc rất quan trọng”, mà theo ông, Trung Quốc “chắc chắn không thể nhượng bộ ở những vấn đề nguyên tắc đó”.

Có thể thấy lập trường đàm phán quá khác biệt đang cản trở hai bên thu hẹp được bất đồng và tiến tới một thỏa thuận, chấm dứt thế “đối đầu” giữa hai cường quốc kinh tế thế giới kéo dài hơn một năm qua. Giờ đây, cuộc chiến thương mại giữa hai nước lại bước vào một giai đoạn mới khốc liệt hơn bao giờ hết.

Việc Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại là “tin xấu” đối với nền kinh tế thế giới. Cuộc chiến thuế quan mới nhất giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde coi là “mối đe dọa chính đối với kinh tế thế giới”, và IMF đã một lần nữa phải hạ mức dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống còn 3,3%.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.