Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy hơn nữa hợp tác ASEAN và ASEAN +3 ứng phó dịch Covid-19

10:01, 17/04/2020

Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, ngày 14-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) về ứng phó dịch bệnh Covid-19 bằng hình thức họp trực tuyến.

Các nhà lãnh đạo đã cùng nhau đề ra các biện pháp, sáng kiến cụ thể, thúc đẩy hơn nữa hợp tác phòng, chống dịch bệnh đồng thời bảo đảm sự phát triển năng động, bền vững của khu vực về dài hạn.

Nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia và khu vực

Tại Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó dịch bệnh Covid-19 với sự tham dự đầy đủ của lãnh đạo 10 nước thành viên ASEAN, các nước thành viên đã quyết tâm tăng cường hơn nữa các biện pháp hợp tác y tế công cộng nhằm ứng phó đại dịch. Tăng cường hợp tác nhằm cung ứng đầy đủ thuốc điều trị, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu, bao gồm công cụ chẩn đoán, thiết bị bảo hộ cá nhân... khuyến khích thành lập Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực, cũng như tận dụng các kho dự trữ liên quan của ASEAN nhằm hỗ trợ nhu cầu của các quốc gia thành viên ASEAN trong các tình huống y tế công cộng khẩn cấp.

Các nước cũng nhất trí nâng cao khả năng sẵn sàng ứng phó dịch bệnh ở cấp quốc gia và khu vực, bao gồm thành lập Mạng lưới các chuyên gia y tế về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp thời gian tới, tăng cường năng lực của các mạng lưới ứng phó các tình huống khẩn cấp sẵn có của ASEAN như Mạng lưới Trung tâm vận hành trong tình huống khẩn cấp ASEAN, Trung tâm đánh giá và trao đổi thông tin về rủi ro ASEAN, Trung tâm ảo BioDiaspora của ASEAN (ABVC) và Trung tâm điều phối ASEAN về ứng phó thảm họa và cứu trợ nhân đạo (AHA), nhằm chuẩn bị cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp trong tương lai.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch  Covid-19.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 chủ trì Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19.

Các thành viên ASEAN khẳng định lại cam kết trong hành động và phối hợp chính sách để bảo đảm an sinh của người dân, duy trì ổn định kinh tế - xã hội; trong đó, duy trì cam kết mở cửa thị trường ASEAN cho thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác giữa các quốc gia thành viên ASEAN và với các đối tác của ASEAN với mục đích bảo đảm an ninh lương thực, tận dụng hiệu quả Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và tăng cường khả năng phục hồi, sự phát triển bền vững của chuỗi cung ứng khu vực, nhất là thực phẩm, hàng hóa, thuốc men, vật tư y tế và các vật dụng cần thiết khác...

Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh cần đặt lợi ích người dân lên hàng đầu, bảo đảm sức khỏe và sinh kế của nhân dân, hỗ trợ kịp thời và đối xử bình đẳng với công dân các nước ASEAN+3 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có lao động di cư, không để "ai bị bỏ lại phía sau". Các nhà lãnh đạo cũng cam kết duy trì thị trường mở, sớm ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), đa dạng hóa kết nối nguồn cung trong và ngoài khu vực, bảo đảm lưu thông hàng hóa, dịch vụ, nhất là các nguyên vật liệu, sản phẩm y tế thiết yếu. Các nhà lãnh đạo nhất trí giao Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) nghiên cứu đưa ra các khuyến nghị chính sách kịp thời ứng phó với các rủi ro suy thoái và tận dụng các cơ chế dự phòng đảm bảo ổn định kinh tế, tài chính, an ninh lương thực đã có của ASEAN+3 như Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM), Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR).

Vai trò của Việt Nam được đánh giá cao

Sau các sự kiện này, lãnh đạo các nước, dư luận chính giới và học giả, chuyên gia quốc tế đều đánh giá tích cực về công tác tổ chức, dẫn dắt và tiên phong của Việt Nam trong phối hợp các nỗ lực chung, thúc đẩy sự gắn kết và chủ động để đẩy mạnh cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19.

Tổng Thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Hoi nhấn mạnh rằng, với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch Covid-19. Việc triệu tập các hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 theo hình thức trực tuyến là một “thành tựu đúng nghĩa".

Giới chức Hàn Quốc cho rằng sự thể hiện tinh thần đoàn kết và ý thức hợp tác là “thành tựu đáng chú ý nhất” của Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19, trong đó có vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020. Theo Đại sứ Lim Sungnam, Trưởng phái đoàn thường trực Hàn Quốc tại ASEAN, Việt Nam đã thực sự thể hiện vai trò lãnh đạo gắn kết và chủ động thích ứng thông qua việc tổ chức kịp thời hai hội nghị cấp cao đặc biệt nói trên.

Việc tổ chức hai hội nghị này là minh chứng cho thấy Việt Nam luôn ý thức được tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua kênh ASEAN, đặc biệt với các nước đối thoại và trong khuôn khổ ASEAN+3.

Chuyên gia Lăng Đức Quyền - nguyên Trưởng đại diện Tân Hoa xã tại Việt Nam đánh giá, với tư cách là nước chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc khởi xướng, tổ chức cũng như thúc đẩy hội nghị đặc biệt của các nhà lãnh đạo Đông Á lần này đạt được kết quả tích cực. Kết quả các hội nghị này cũng cho thấy Việt Nam đã và đang tích cực thúc đẩy "sự gắn kết và chủ động thích ứng" của Cộng đồng ASEAN , như chủ đề của Năm Chủ tịch ASEAN, để các nước cùng nhau vượt qua đại dịch.

Hồng Hà (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.