Multimedia Đọc Báo in

Cuộc chiến chống Covid-19 vẫn đang rất cam go

08:40, 26/06/2020
Hiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh ở châu Mỹ, một số nước châu Á và ngay cả châu Âu, khi "lục địa già" bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế.
 
Dù đã trải qua nhiều lần thử nghiệm, song chưa có loại vắc-xin nào thực sự phát huy hiệu quả. Trong khi đó, các nhà khoa học vẫn đang phát hiện thêm nhiều điều khác thường về vi rút SARS-CoV-2.

Nhà chức trách thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 24-6 cho biết đợt bùng phát mới của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 hiện đã được kiểm soát tuy nhiên vẫn còn lo ngại về nguy cơ lây lan trong cộng đồng.

Đợt bùng phát dịch trên có liên quan đến khu chợ đầu mối lớn nhất ở Bắc Kinh sau khi ca đầu tiên được ghi nhận ngày 11-6, dẫn tới một phần thành phố bị phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch lây lan. Bắc Kinh đã tăng khả năng xét nghiệm từ 100.000 mẫu/ngày lên 300.000 mẫu từ đầu tháng 6, và một nửa số ca nhiễm (137 ca) đã được phát hiện thông qua quét thân nhiệt. Tổng cộng gần 3 triệu người đã được xét nghiệm.

Theo dự báo của chuyên gia, dịch ở Bắc Kinh có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần tới, do vậy tác động khá lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên khi các kỳ thi cuối cấp, đại học đang tới gần. Do dịch khởi phát từ chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh, thậm chí là châu Á, nên mức độ ảnh hưởng là không nhỏ.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 tới một bệnh viện ở bang Para, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân mắc Covid-19 tới một bệnh viện ở bang Para, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đã nhiều tuần kể từ khi Ấn Độ kết thúc các đợt phong tỏa đất nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và khởi động lại các hoạt động giao thương. Kinh tế đang dần phục hồi nhưng với tiến triển rất mong manh bởi số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 được phát hiện hằng ngày vẫn đang gia tăng đáng kể. Có thể nói, kể từ tháng 3, Ấn Độ đã rất nỗ lực để kiềm chế dịch bệnh Covid-19, với một chiến dịch phong tỏa lớn và nghiêm ngặt nhất thế giới. Vấn đề của Ấn Độ là việc phong tỏa kéo dài nhưng không đi cùng với truy dấu ca bệnh, khoanh vùng, cách ly chống dịch gắt gao và hiệu quả. Bởi vậy nên chiến dịch chống Covid-19 của Ấn Độ diễn ra không triệt để, chỉ có thể làm chậm lại quá trình tăng chứ chưa thể tạo ra đỉnh dịch hay làm phẳng đồ thị tăng. Nguy cơ lây nhiễm lại càng lớn hơn khi hoạt động của xã hội được cho phép trở lại. Thời gian dịch Covid-19 tại Ấn Độ bùng phát dữ dội mấy tuần gần đây tương ứng với thời điểm mở cửa trở lại.

Các cơ quan chức năng Hàn Quốc cũng cảnh báo về khả năng xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn (vốn đang thực hiện ở khu vực Seoul và vùng phụ cận) trên quy mô toàn quốc trong bối cảnh các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng tiếp tục tăng trên mốc 30 ca/ngày. Chính phủ nước này cũng đã quyết định siết chặt quản lý phòng dịch tại các bến cảng. Các cơ quan chức năng cũng công bố phương án tăng cường phòng dịch tại các quán ăn, khuyến cáo các hàng quán tuân thủ nguyên tắc phòng dịch cơ bản, áp dụng cơ chế phân chia thời gian cho khách hàng vào ăn uống.

 

Đại dịch Covid-19 đã lan rộng trên khắp thế giới và ảnh hưởng tới tất cả các châu lục. Để đối phó với Covid-19, cũng như tất cả các thách thức toàn cầu hiện nay từ biến đổi khí hậu đến những thách thức trong không gian mạng, chúng ta cần sự đoàn kết. Chúng ta phải hiểu rằng, không có quốc gia nào an toàn và lành mạnh cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn và khỏe mạnh”.

 


 
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres

Tình hình y tế tại Pháp được cải thiện từ nhiều tuần qua sau khi dịch Covid-19 được khống chế, đặc biệt kể từ khi mùa hè đến, nhiệt độ môi trường tăng cao. Tuy nhiên, các nhà khoa học nước này quan ngại, khi mùa hè qua đi, dịch Covid-19 sẽ trở lại thậm chí còn mạnh hơn. Tại Pháp, khả năng vi rút bùng phát trở lại là tương đối cao với nhiều lý do, chẳng hạn như khả năng miễn dịch cộng đồng còn chưa đủ (ước tính chỉ khoảng 5% dân số Pháp có khả năng miễn dịch với SARS-CoV-2). Hiện nay, mỗi ngày Pháp vẫn ghi nhận hàng chục ca tử vong vì Covid-19, hàng trăm ca nhập viện mới và được xác định dương tính với SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm.

Chính quyền bang Bắc Rhine-Westphalia của Đức ngày 23-6 đã ra quyết định mở rộng lệnh phong tỏa ra toàn bộ một địa phương có dân số gần 350.000 người của bang này sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát. Quyết định tái phong tỏa được đưa ra sau khi một ổ dịch lớn bùng phát từ một nhà máy chế biến thịt trong vùng, khiến ít nhất 1.500 công nhân làm việc trong nhà máy nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Còn quận Guetersloh là địa phương đầu tiên tại nước Đức phải áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa, sau khi nước Đức đã từng bước gỡ bỏ toàn bộ các lệnh này từ cuối tháng 4-2020. Sự việc này đang làm dấy lên các lo ngại của người dân Đức về việc làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể tràn đến nước Đức trong thời gian tới.

Còn tại châu Mỹ, dịch Covid-19 vẫn lây lan rất mạnh và chưa đạt đỉnh, dự báo số người nhiễm bệnh trên thế giới sẽ vượt qua cột mốc 10 triệu người trong tuần sau. Theo Giám đốc điều hành, đồng thời là người đứng đầu chương trình khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới Mike Ryan: “Về tổng thể, đại dịch Covid-19 tại châu Mỹ vẫn đang rất căng thẳng, đặc biệt tại nhiều quốc gia Trung và Nam Mỹ. Trong vài tuần qua, chúng tôi đang chứng kiến một xu hướng liên tục gia tăng số ca nhiễm bệnh rất đáng ngại, tại một số nước mức tăng từ 25 - 50% mỗi ngày. Điều này có nghĩa là rất nhiều nước tại Trung và Nam Mỹ vẫn đang phải hứng chịu sự lây nhiễm dai dẳng trong cộng đồng”.

Tại Trung Đông, các ca lây nhiễm cũng tăng theo cấp số nhân tương tự.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo “Thế giới bước vào giai đoạn Covid-19 mới và nguy hiểm”. Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, điều quan trọng nhất hiện nay là phải làm cho các nước hiểu rằng, sự phối hợp toàn cầu vẫn luôn là chìa khóa giải quyết cho mọi cuộc khủng hoảng. Chính do chính sách đơn lẻ của nhiều quốc gia đã khiến tình hình vượt tầm kiểm soát.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.