Multimedia Đọc Báo in

Bùng nổ xung đột Nagorny - Karabakh, thế giới lo ngại

08:45, 09/10/2020
Từ cuối tháng 9 đến nay, bất chấp áp lực ngày càng tăng của quốc tế, xung đột giữa các lực lượng Armenian và Azerbaijan vẫn diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh khiến hàng trăm người thiệt mạng. 

Ngày 5-10, Ngoại trưởng các nước Nga, Pháp và Mỹ đã ra tuyên bố chung kêu gọi các bên xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh ngừng bắn ngay lập tức. Theo tuyên bố chung, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cùng những người đồng cấp Jean-Yves Le Drian của Pháp và Mike Pompeo của Mỹ lên án tình trạng bạo lực leo thang “nguy hiểm chưa từng xảy ra” trong và xung quanh khu vực Nagorny-Karabakh. Ba ngoại trưởng - đại diện cho các nước đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) - nhấn mạnh các vụ tấn công gần đây bị cáo buộc nhằm vào dân thường, cả khu vực dọc giới tuyến Nagorny - Karabakh cùng với các vùng lãnh thổ của Azerbaijan và Armenia ngoài vùng xung đột này, gây ra mối đe dọa “không thể chấp nhận được” đối với sự ổn định trong khu vực.

Trước đó, vào ngày 1-10, trong một tuyên bố chung do Điện Kremlin công bố, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên án "bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất" tình trạng leo thang bạo lực đang diễn ra tại giới tuyến ở Nagorny - Karabakh.

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres trước đó cũng kêu gọi lãnh đạo các nước Azerbaijan và Armenia thực hiện ngay lập tức những bước đi nhằm thiết lập ngừng bắn tại khu vực tranh chấp Nagorny - Karabakh. Ông Guterres tái khẳng định sự ủng hộ hoàn toàn đối với vai trò của các đồng Chủ tịch Nhóm Minsk (Nga, Mỹ và Pháp) thuộc OSCE, nhấn mạnh các bên cần hợp tác với họ để trở lại đàm phán vô điều kiện và không trì hoãn.

Hiện trường một vụ pháo kích tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 4-10.     Ảnh: AFP/TTXVN
Hiện trường một vụ pháo kích tại Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh, ngày 4-10. Ảnh: AFP/TTXVN

Khu vực Nagorny - Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2-1988 đến tháng 5-1994 khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng.

Tranh chấp lãnh thổ ở khu vực Nagorny - Karabakh giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ (Azerbaijan và Armenia) là vấn đề phức tạp do lịch sử để lại, đã kéo dài hơn một thế kỷ qua, có thời điểm bùng phát thành xung đột vũ trang, có lúc mâu thuẫn âm ỉ, song nhìn chung chưa bao giờ được giải quyết triệt để. Đây là vấn đề xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân, kể cả xung đột sắc tộc, khác biệt tôn giáo, lợi ích chính trị, lãnh thổ lẫn kinh tế.

Dưới thời Liên Xô, dù Nagorny - Karabakh là một tỉnh tự trị của nước Cộng hòa XHCN Xô viết Azerbaijan, song người Armenia vẫn coi đây là mảnh đất của tổ tiên họ. Trên thực tế, đa số người dân tại đây là người gốc Armenia, nên dù thuộc thành phần Azerbaijan - một quốc gia Hồi giáo, song người dân Nagorny - Karabakh lại theo Thiên chúa giáo như ở Armenia và gắn bó với Yerevan.

Dư luận quốc tế hiện đang thể hiện sự đồng thuận lớn trong cách tiếp cận, đó là cần giải quyết cuộc xung đột này bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, dựa trên luật pháp quốc tế, vì lợi ích của người dân Armenia, cũng như người dân Azerbaijan.

Sau cuộc chiến tranh 1988 - 1994, từ năm 2008 đến nay, những cuộc xung đột vũ trang ngắn, những cuộc đấu súng lẻ tẻ bắt đầu nổ ra thường xuyên, cho dù hàng chục cuộc tiếp xúc cấp cao, vô số các lệnh ngừng bắn mới đã được thiết lập. Đáng chú ý nhất là cuộc giao tranh giữa quân đội Armenia và Azerbaijan hồi đầu tháng 4-2016 khiến ít nhất 110 người thuộc cả hai bên thiệt mạng và trở thành cuộc xung đột tồi tệ nhất ở khu vực này kể từ năm 1994.

Các cuộc đàm phán nhằm tìm ra quy chế cho vùng lãnh thổ tranh chấp này vẫn bế tắc bởi cả hai bên đều không chấp nhận các phương án được đề xuất và cũng không bên nào chịu nhượng bộ.

Hố sâu sau vụ phóng rocket và nã pháo của các lực lượng Armenia tại thị trấn Beylagan, Azerbaijan ngày 4-10. Ảnh: AFP/TTXVN
Hố sâu sau vụ phóng rocket và nã pháo của các lực lượng Armenia tại thị trấn Beylagan, Azerbaijan ngày 4-10. Ảnh: AFP/TTXVN

Cũng giống như các cuộc đụng độ quân sự giữa Azerbaijan và Armenia trước đây, vụ việc bùng phát từ ngày 27-9 đến nay một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế bởi cuộc xung đột giữa Azerbaijan và Armenia không chỉ là “cuộc so găng tay đôi” giữa hai nước nhỏ nằm ở vùng ngoại Kavkaz xa xôi, mà còn là vấn đề địa chính trị mang tầm “liên khu vực” khiến các cường quốc không thể không bày tỏ lo ngại hoặc quan tâm chú ý. Xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tác động không chỉ tới an ninh của vùng Kavkaz, mà có thể còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định của cả không gian hậu Xô viết, thậm chí nếu không kiểm soát tốt sẽ lan ra cả khu vực Địa Trung Hải.

Khu vực Kavkaz nằm ở ranh giới giữa châu Âu và châu Á, có đa số người Hồi giáo sinh sống, từ nhiều năm qua cũng là một trong những “điểm nóng” an ninh. Nhiều nhóm ly khai cực đoan cũng như các tổ chức khủng bố chọn nơi đây làm địa bàn hoạt động. Cuộc xung đột bùng phát tại Nagorny - Karabakh có thể tạo ra lỗ hổng an ninh lớn, các phần tử khủng bố có thể lợi dụng tình hình hỗn loạn để thực hiện các cuộc tấn công ở Nga và các nước châu Âu, dẫn đến những hậu quả khó lường.

Liên minh châu Âu (EU) cũng có lý do để lo ngại bởi ngoài yếu tố an ninh, khu vực Kavkaz từ lâu đã có tầm quan trọng về năng lượng và địa chính trị ngày càng lớn. Trong bối cảnh thường xuyên xảy ra “cuộc chiến khí đốt” với Nga, EU coi "Hành lang khí đốt phía Nam" và đường ống dẫn khí Azerbaijan-Gruzia-Thổ Nhĩ Kỳ có vai trò quan trọng sống còn đối với an ninh năng lượng của "lục địa già". Trong trường hợp xung đột tại Nagorny - Karabakh kéo dài, cả hai tuyến vận tải năng lượng triển vọng này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có thể làm mất an ninh năng lượng của châu Âu. Hơn thế nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan trên toàn cầu, bất kỳ điểm nóng bất ổn nào cũng có thể làm trầm trọng thêm những tác động của đại dịch.

Hồng Hà (Theo TTXVN, VOV)

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.