Multimedia Đọc Báo in

Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên: Vì một nền nông nghiệp chất lượng và bền vững

06:46, 27/10/2020

Quy tụ nhiều nhà khoa học tâm huyết và có uy tín với hàng trăm công trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (sau đây gọi là Viện) là địa chỉ đáng tin cậy để các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn Tây Nguyên cũng như cả nước tìm đến học hỏi, chia sẻ, hợp tác nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương theo hướng chất lượng và bền vững hơn. 

Tiến sĩ Trần Vinh - Quyền Viện trưởng cho biết: Trong thời gian qua, Viện đã tập trung triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trên các lĩnh vực: giống cây trồng, công nghệ sinh học, chế biến, bảo quản sau thu hoạch, bảo vệ thực vật, chăn nuôi đồng cỏ, bảo vệ môi trường sinh thái và tài nguyên… nhằm phục vụ mục tiêu phát triển ngành nông lâm nghiệp vùng Tây Nguyên. Trong đó, Viện đã tập trung nghiên cứu tổng thể các biện pháp kỹ thuật về sản xuất bền vững đối với một số cây trồng chủ lực trên địa bàn Đắk Lắk như cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, điều và sầu riêng.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tìm hiểu về mô nuôi cấy cà phê  tại Viện  Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tìm hiểu về mô nuôi cấy cà phê tại Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên.

Cụ thể đến nay, Viện đã chọn lọc được 10 bộ giống cà phê vối có năng suất cao, được Bộ NN-PTNN công nhận là giống chính thức; chọn lọc được 2 bộ giống cà phê vối chín muộn, thời gian chín vào mùa khô, rất thuận lợi cho việc thu hoạch và chế biến sản phẩm. Đặc biệt, Viện đã chủ động được công nghệ nhân giống, nuôi cấy mô cây cà phê cung cấp cho thị trường đưa vào sản xuất đại trà trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước. Về các chế phẩm phục vụ sản xuất, Viện cũng đã nghiên cứu, sáng chế nhiều sản phẩm có giá trị, nhất là các loại phân bón hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh mang thương hiệu Ea Kmát được ngành nông lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên và nhiều vùng, miền khác chuyển giao, ứng dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất.

Viện Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên giới thiệu sản phẩm trái mắc ca do Viện nhân giống và sản xuất.
Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên giới thiệu sản phẩm trái ca cao do Viện nhân giống và sản xuất.
 

Công ty TNHH Đầu tư Du lịch - Thương mại Đam San và Viện  Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên vừa ký văn bản thỏa thuận về hợp tác, liên kết phát triển du lịch với loại hình, sản phẩm “Vườn du lịch canh nông DAM SAN - EAKMAT” nhằm khai thác các giá trị du lịch dựa trên thành quả nông nghiệp mà Viện đang sở hữu”.

 
Ông Lê Hoàng Cơ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Du lịch - Thương mại Đam San)

Trong buổi thăm và làm việc của Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk với Viện  Khoa học - Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên vào cuối tháng 8-2020, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường đánh giá đây là một trong những đơn vị hàng đầu trong cả nước có vị thế, uy tín trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất giống cà phê tại Việt Nam; khẳng định những hoạt động tích cực, thiết thực của Viện đã góp phần đắc lực vào việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn kết với Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Tây Nguyên hiện nay. Đồng thời yêu cầu trong thời gian tới, Viện tiếp tục nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật đảm bảo các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, cho năng suất cao, thân thiện và an toàn hơn; đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu và liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để tiêu thụ, chế biến sản phẩm sau thu hoạch cho người dân trong vùng, nâng cao chuỗi giá trị gia tăng trên lĩnh vực sản xuất trọng yếu này; phối hợp với ngành nông nghiệp các tỉnh trong khu vực thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho người nông dân ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cho các địa phương. Đặc biệt, phối hợp với ngành du lịch triển khai hiệu quả loại hình du lịch canh nông. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Đề án phát triển du lịch Đắk Lắk giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, giúp du khách tham quan vườn cây, tìm hiểu và trải nghiệm quy trình sản xuất các loại cây trồng có tiềm năng, thế mạnh của Tây Nguyên.  

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.