Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong điều trị bệnh nhân suy thận

08:38, 08/06/2019
Tại Đắk Lắk, số lượng bệnh nhân có nhu cầu chạy thận nhân tạo ngày càng tăng, hiện vào khoảng 4.000 - 5.000 bệnh nhân. Với mong muốn giúp người bệnh được chạy thận nhân tạo ngay tại địa phương, giảm chi phí đi lại, tháng 6-2008, bộ phận thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, nay là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) được thành lập và đi vào hoạt động. Trong 11 năm qua, đơn vị đã góp phần cứu sống hàng nghìn bệnh nhân suy thận cấp, đợt cấp suy thận mãn, ngộ độc.
 
Từ 4 máy thận nhân tạo và 3 nhân viên ban đầu, đến nay Phòng Thận nhân tạo - Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) đã có 28 máy cùng 68 nhân viên trực tiếp quản lý và điều trị cho 200 bệnh nhân lọc máu chu kỳ, tạo cơ hội duy trì cuộc sống. Trong đó, đa số bệnh nhân đều thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn nhưng phải điều trị bệnh liên tục trong thời gian dài. Như chị Phan Thị Hồng (trú huyện Krông Pắc) phát hiện bị suy thận cách đây 6 năm. Đến nay, chị đã chạy thận được 3 năm.
 
Chị tâm sự: “Thời gian đầu, tôi phải vào TP. Hồ Chí Minh để chạy thận nhân tạo, rất khó khăn và tốn kém. Từ khi được về lọc máu tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, tôi tiết kiệm được đáng kể chi phí do gần nhà, lại có người thân chăm sóc. Tôi hy vọng tất cả các bệnh nhân bị suy thận có nhu cầu lọc máu sẽ có được điều trị ngay tại địa phương như tôi”.
 
Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.    Ảnh: Đ.Thi
Các bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Đ.Thi
Hiện tại, với 28 máy, trong đó có 3 máy vừa tạm ngưng sử dụng do bị hư hỏng, trung bình một ngày mỗi máy chạy 3 ca, mỗi ca từ 3,5 - 4 giờ, chạy liên tục từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần để phục vụ số bệnh nhân bị suy thận mãn tính. Tuy nhiên, với cơ sở vật chất hạn chế như hiện nay, đơn vị chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của bệnh nhân cần lọc máu.
 
Thạc sĩ, bác sĩ CKII Trịnh Hồng Nhựt, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) cho biết, bên cạnh việc đề xuất mở rộng phòng ốc, trang bị thêm máy, bổ sung nhân lực, khoa phòng còn tổ chức tăng ca, thêm giờ làm song vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu lọc máu của bệnh nhân. Phải trống chỗ thì bệnh nhân mới có cơ hội vào điều trị, trống chỗ chỉ có trong trường hợp bệnh nhân có điều kiện chuyển đi ghép thận thành công, bệnh nhân xin chuyển đi nơi khác để chạy thận hoặc có bệnh nhân tử vong.
 
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế,  ngành y tế tỉnh hiện chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu lọc máu nhân tạo của bệnh nhân, do đó những ca nặng thường chuyển lên bệnh viện tuyến trên hoặc đến TP. Nha Trang.
 
“Toàn tỉnh chỉ có 3 điểm đặt máy lọc thận là Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện TP. Buôn Ma Thuột và mới đây là Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ, với khoảng 40 máy lọc. Riêng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên mỗi ngày có 3 kíp lọc, sáng 1 kíp, trưa 1 kíp, chiều 1 kíp, chia đều bệnh nhân lọc máu vào các ngày 2-4-6, 3-5-7 hằng tuần. Lịch lọc máu gần như dày đặc. Đây là thách thức rất lớn trong đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân trên địa bàn”, ông Hùng chia sẻ.
 
Phương Nhiên
 

Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.