Multimedia Đọc Báo in

Gia tăng bệnh nhân tâm thần nhập viện

08:57, 12/04/2021

Theo thống kê của Bệnh viện Tâm thần tỉnh, từ tháng 3 và đầu tháng 4-2021, trung bình mỗi ngày bệnh viện khám và điều trị cho khoảng 50 trường hợp, tăng từ 10 - 15 trường hợp so với thời điểm trước đó.

Có hôm cao điểm bệnh viện tiếp nhận gần 100 trường hợp đến khám và điều trị nội trú, tăng gấp 2 lần so với ngày bình thường. Riêng quý I năm 2021, bệnh viện tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 4.300 trường hợp mắc bệnh tâm thần, tăng 20% so với quý IV năm 2020.

Theo bác sĩ Lại Thái Công, Phó Trưởng Khoa Khám - hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), số lượng bệnh nhân nhập viện điều trị bệnh tâm thần tăng nhiều hơn trong những ngày gần đây do nhiều nguyên nhân, trong đó thời tiết thay đổi, nắng nóng kéo dài cũng là một yếu tố khiến bệnh nhân tâm thần nói chung dễ thay đổi về mặt cảm xúc, hành vi, như: bệnh nhân đang điều trị ổn định bỗng nhiên nói cười vô cớ, lúc buồn, lúc vui, đập phá, la hét… Hầu hết những trường hợp nhập viện điều trị nội trú đều có các biểu hiện, như: kích động, hoang tưởng, ảo giác, quậy phá, la hét, u uất, trầm buồn, khó tiếp xúc, ăn ngủ thất thường, đau đầu, giảm nhận thức, thay đổi tâm tính…

Như trường hợp ông T.X.A (51 tuổi, ở huyện Quảng Khê, tỉnh Đắk Nông) nhập viện tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh trong tình trạng nói năng lảm nhảm, ảo giác và kích động mạnh. Người nhà cho biết, ông A. bị loạn thần từ năm 2007 và đã điều trị ổn định trong nhiều năm, nay bỗng dưng phát bệnh trở lại. Kể từ hôm bước vào đợt nắng nóng cao điểm, ông A. không ngủ được, tính tình cáu gắt, nóng nảy và hung hăng hơn so với ngày thường. Kiểm tra số thuốc dùng hằng ngày, thấy ông A. không uống đủ liều, biết bệnh cũ tái phát nên gia đình đã đưa ông đến Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị. Còn anh N.V.T. (34 tuổi, ở thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) bị mắc bệnh tâm thần phân liệt từ năm 20 tuổi. Anh trai bệnh nhân cho hay: “Vào những ngày thời tiết nắng nóng như thế này gia đình tôi càng chú ý đến sức khỏe của em trai nhiều hơn, nơi ngủ nghỉ cũng phải bố trí thoáng, mát để sức khỏe của em được ổn định hơn, không lên cơn tái phát bệnh”.

Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh.    Ảnh: Quang Nhật
Bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Ảnh: Quang Nhật

Các bác sĩ khuyến cáo: khi thời tiết nắng nóng, mọi người nên hạn chế ra ngoài, không làm việc quá sức, uống nhiều nước, hạn chế thức uống chứa cồn và các chất kích thích… Những người nguy cơ cao bị rối loạn tâm thần như: phụ nữ sau sinh, người có sang chấn tâm lý (mất người thân, mất việc, thất tình, bị tai nạn, bệnh tật…) càng phải chú ý sức khỏe. Khi gặp các triệu chứng mất ngủ, căng thẳng kéo dài nên đến cơ sở chuyên khoa tâm thần khám để được tư vấn và điều trị kịp thời. Với những gia đình có người thân bị các bệnh về tâm thần, vào những ngày nắng nóng cần phải thường xuyên quan tâm, gần gũi, chia sẻ, tạo cho bệnh nhân cảm thấy được yêu thương, tránh la hét, đánh đập… khiến bệnh nhân dễ gặp các xáo trộn về tâm lý. Tránh để bệnh nhân ở môi trường oi bức, ngột ngạt.

Về mặt điều trị, người mắc bệnh tâm thần phải dùng thuốc suốt đời, thường xuyên và liên tục; do đó, người nhà phải thường xuyên kiểm tra, không để bệnh nhân tự ý bỏ dở thuốc điều trị, hoặc quên uống thuốc vì chỉ cần bỏ thuốc một  lần có thể sẽ khiến bệnh tái phát. Đặc biệt, khi bệnh nhân có những triệu chứng bất thường, như: mất ngủ liên tục từ 2 - 3 ngày, mỗi ngày chỉ ngủ được 2 - 3 giờ hoặc ít hơn, bệnh nhân ăn uống kém, bứt rứt, khó chịu, lo lắng, bồn chồn, luôn cảm thấy bất an và lo sợ những điều xấu sẽ xảy ra, cáu gắt vô cớ… thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời.

 Mỹ Hạnh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.