Multimedia Đọc Báo in

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị nông sản an toàn, bền vững

09:31, 12/05/2019

Là địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện Cư M’gar đã và đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm góp phần tăng năng suất và giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã trao đổi với ông TRƯƠNG VĂN CHỈ, Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.

°Thưa ông! Là địa bàn trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện Cư M'gar đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như thế nào và đạt kết quả ra sao?

- Huyện Cư M’gar có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn, khoảng 70.000 ha, chủ yếu trồng các loại cây công nghiệp mũi nhọn của vùng Tây Nguyên như cà phê, hồ tiêu, cao su… Ngoài các loại cây trồng chủ lực trên, trong những năm gần đây trên địa bàn huyện phát triển rất mạnh một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, bơ… và các loại cây dược liệu.

Trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, huyện đã ban hành nghị quyết về phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Ngoài thành lập khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện còn triển khai các chương trình, hội thảo để tăng cường thông tin, tập huấn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân trên địa bàn về áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ngoài việc tuyên truyền, hướng dẫn bà con ưu tiên lựa chọn các loại giống mới, chúng tôi còn tổ chức tập huấn về quy trình canh tác kỹ thuật tiên tiến để hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, tăng độ phì cho đất, năng suất cây trồng… Đơn cử như cây cà phê, trên địa bàn huyện hiện đã có gần 1/2 diện tích trồng cà phê là sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng của thế giới, đã được cấp chứng nhận. Đây là kết quả bước đầu trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho bà con nông dân trên địa bàn…

°Xin ông cho biết các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai trên địa bàn huyện hiện nay?

- Đây là một vấn đề mới ở huyện Cư M’gar trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay trên địa bàn huyện mới chỉ hình thành được hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó một khu 4 ha do huyện quản lý và một khu 105 ha tỉnh đã có quyết định giao cho Tập đoàn Xuân Thiện đầu tư.

 Chủ tịch UBND  huyện Cư M'gar Trương  Văn Chỉ  (bìa phải) tham quan một  mô hình trồng  dưa lưới công nghệ cao trên  địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Cư M'gar Trương Văn Chỉ (bìa phải) tham quan một mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao trên địa bàn.

Có thể nói rằng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện hiện nay đã đi vào hoạt động, một số mô hình đã đi vào sản xuất như: chanh dây, rau, quả, hoa trồng trong nhà kính... cho giá trị sản xuất khá cao. Huyện đang tập trung hình thành và phát triển các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao này đồng thời chuyển giao đến nông dân, trong đó chú trọng yêu cầu các doanh nghiệp phải có trách nhiệm chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Ngoài ra, ở một số khu vực như xã Ea M'nang, thị trấn Ea Pốk cũng có các mô hình hợp tác xã rau an toàn. Những mô hình này trong thời gian qua cũng mang lại giá trị kinh tế khá cao, góp phần nâng cao thu nhập của các hộ xã viên…

°Để thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, địa phương có những giải pháp gì trong thời gian tới, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, nghị quyết về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có giải pháp thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn. Thời gian tới, ngoài việc đẩy nhanh triển khai tiến độ khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện sẽ tiếp tục tổ chức cho bà con nông dân tham quan các mô hình ứng dụng công nghệ cao đã có trên địa bàn; kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó giúp người nông dân có điều kiện kết nối, liên kết trong sản xuất, từ đó ngoài việc mang lại giá trị kinh tế còn có khắc phục các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu hiện nay.

°Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.