Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên

17:25, 14/03/2020

Nhờ triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm nên hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Cư Kuin dần đi vào nền nếp. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông VÕ TẤN HUY, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư Kuin chung quanh vấn đề này.

°Trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Cư Kuin khá phức tạp, không ít "điểm nóng" khai thác trái phép gây bức xúc trong dư luận xã hội, ông có thể cho biết thêm về thực trạng này?

Trên địa bàn huyện hiện có các loại khoáng sản như: đá, cát và đất sét. Toàn huyện có 6 đơn vị được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động khai thác và thăm dò để khai thác khoáng sản, gồm 3 đơn vị khai thác cát, 2 doanh nghiệp khai thác đá và 1 doanh nghiệp khai thác nước ngầm. Những năm trước đây, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện diễn biến tương đối phức tạp, đặc biệt là việc khai thác cát trên sông Krông Ana và khai thác đất đồi trái phép gây nguy cơ sạt lở bờ sông, đồi núi, ảnh hưởng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân. Bên cạnh đó, việc khai thác, tập kết cát khu vực cầu Giang Sơn không theo quy hoạch, chỉ giới hành lang an toàn gây nguy cơ sụt lún, sập cầu rất cao.

°Trước tình hình trên, để lập lại trật tự khai thác khoáng sản địa phương đã triển khai những giải pháp gì, thưa ông?

UBND huyện đã đề ra nhiều giải pháp nhằm đưa hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn đi vào ổn định và hiệu quả. Trước tiên, UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với Hợp tác xã Giang Sơn. Thứ hai, huyện đã quy hoạch bãi tập kết cát tập trung, diện tích 10,6 ha tại thôn Giang Sơn (xã Hòa Hiệp), cách cầu Giang Sơn 1 km, yêu cầu các đơn vị đầu tư hoàn thành thủ tục, di dời các bến bãi vào khu vực tập kết theo quy định. Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Thứ tư, tổ chức rà soát, cắm mốc biển báo cấm khai thác tại các khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với đó, huyện đã giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND xã thực hiện việc quản lý khoáng sản theo quy định, nếu để xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý, khai thác, tập kết khoáng sản trái phép, vi phạm hành lang an toàn cầu Giang Sơn thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện. Nhờ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nên hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện dần đi vào nền nếp. Các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản đã từng bước nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật như: khai thác đúng thiết kế, ký cam kết bảo vệ môi trường, gắn kinh doanh với mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của địa phương...

Tàu khai thác cát tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn (huyện Cư Kuin).
Tàu khai thác cát tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn (huyện Cư Kuin).

°Bên cạnh kết quả đạt được, việc lập lại trật tự khai thác khoáng sản ở địa phương gặp không ít khó khăn, vướng mắc.  Vậy theo ông, để tháo gỡ những khó khăn ấy cần có những giải pháp gì?

Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về khai thác cát khoáng sản của huyện còn gặp nhiều khó khăn như: trong suốt chiều dài 17 km sông Krông Ana, đoạn chảy qua huyện Cư Kuin có địa hình phức tạp, cách trở nhưng trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác kiểm tra giám sát lại không có. Quy chế phối hợp trong công tác quản lý, xử lý vi phạm hoạt động khai thác cát, khoáng sản giữa các huyện liên quan chưa được ban hành dẫn đến tình trạng khai thác cát trái phép ngày càng tinh vi, manh động. Bên cạnh đó, lực lượng phục vụ công tác kiểm tra còn hạn chế, trong khi địa bàn, thời gian hoạt động của các đối tượng khai thác khoáng sản rộng, trải dài nên việc giám sát chưa được thường xuyên.

Để khắc phục tình trạng trên, UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền, quán triệt các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản; di dời bãi tập kết cát của Công ty TNHH Tây Nguyên vào bãi tập trung 10,6 ha để thuận tiện trong việc quản lý; yêu cầu doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường vận chuyển cát từ bãi cát đến Tỉnh lộ 10B; hoàn thiện việc lắp đặt trạm cân, camera quan sát để các ngành chức năng kiểm tra, theo dõi sản lượng khai thác; yêu cầu các đơn vị khai thác thực hiện nghiêm túc việc ký quỹ phục hồi môi trường và phương án khắc phục môi trường đã được phê duyệt…

°Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.