Multimedia Đọc Báo in

Lựa chọn sách giáo khoa: Đảm bảo phù hợp, hiệu quả, minh bạch, đúng quy định

12:46, 10/04/2021

Theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, năm học 2021 - 2022 sẽ triển khai dạy - học theo sách giáo khoa (SGK) mới đối với lớp 2 và lớp 6.

Thời gian này, ngành GD-ĐT Đắk Lắk đang nỗ lực chuẩn bị các điều kiện để lựa SGK bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực, vì lợi ích người học. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở GD-ĐT PHẠM ĐĂNG KHOA chung quanh vấn đề này.

Năm học 2021 – 2022 sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 2 và lớp 6, vậy ngành GD-ĐT tỉnh đã có những bước chuẩn bị gì để tiếp tục triển khai đối với hai khối lớp này, thưa ông?

Phát huy kết quả đạt được trong triển khai thực hiện chương trình SGK lớp 1 năm học 2020 – 2021, Sở GD-ĐT đã tổ chức quán triệt và chỉ đạo các đơn vị tích cực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng phải triển khai nhằm đảm bảo mọi điều kiện để thực hiện chương trình lớp 2, lớp 6 trong năm học tới.

Căn cứ kế hoạch, lộ trình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, ngành GD-ĐT tham mưu cho chính quyền địa phương rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học để có kế hoạch xây dựng, sửa chữa, mua sắm đảm bảo đủ phòng học, thiết bị dạy học tối thiểu; rà soát đội ngũ  giáo viên nhằm đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ buộc phải dạy chéo môn, dạy các môn chưa được đào tạo làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Về phía Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện công tác chuyên môn như: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng các modun của chương trình giáo dục phổ thông mới, đảm bảo tất cả cán bộ quản lý, giáo viên được phân công dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021 – 2022 được tập huấn đầy đủ các modun bắt buộc; tổ chức giới thiệu đầy đủ danh mục SGK lớp 2, lớp 6 đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt; chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho giáo viên đọc, phân tích và lựa chọn SGK theo hướng dẫn tại Thông tư 25/2020/BGDĐT, ngày 26-8-2020 của Bộ GD-ĐT; tham mưu UBND tỉnh thành lập Hội đồng lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 và chuẩn bị lựa chọn theo quy định; tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời hướng dẫn việc tổ chức dạy học chương trình phổ thông hiện hành tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ông có thể cho biết quy trình, thẩm quyền chọn sách giáo khoa sử dụng từ năm học 2021 - 2022 có gì khác so với năm học trước?

Việc lựa chọn SGK lớp 1, năm học 2020 – 2021 được thực hiện theo Thông tư 01/2020/TT-BGDĐT, ngày 30-1-2020 của Bộ GD-ĐT. Theo đó, Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành tiêu chí lựa chọn SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Căn cứ danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt; căn cứ tiêu chí lựa chọn SGK giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các cơ sở giáo dục tổ chức nghiên cứu lựa chọn bộ SGK phù hợp để sử dụng cho đơn vị mình.

Đối với quy trình lựa chọn SGK năm học 2021 – 2022 được thực hiện theo Thông tư 25/2020/BGDĐT, ngày 26-8-2020 của Bộ GD-ĐT. Trong đó, điểm mới của quy trình lựa chọn SGK năm nay khác với năm học trước ở chỗ các cơ sở giáo dục được lựa chọn và đề xuất các bộ sách phù hợp với đặc điểm tình hình mỗi đơn vị, sau đó trình phòng GD-ĐT tổng hợp, báo cáo Sở GD-ĐT. Sở GD-ĐT chuyển giao cho Hội đồng lựa chọn SGK nghiên cứu đề xuất và tổng hợp kết quả đề xuất danh mục SGK lựa chọn trình UBND tỉnh xem xét. UBND tỉnh là đơn vị cuối cùng có thẩm quyền quyết định lựa chọn bộ SGK phù hợp.

Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) trong một tiết học.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) trong một tiết học.

Thưa ông, từ việc chọn SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021, năm học tới tỉnh sẽ ưu tiên những tiêu chí nào để lựa chọn SGK?

Sở GD-ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 532/QĐ-UBND ngày 11-3-2021 về việc ban hành tiêu chí lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Theo đó, việc lựa chọn SGK căn cứ vào 9 tiêu chí, được chia làm 3 nhóm: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông và nhóm tiêu chí khác. SGK được chọn phải có nội dung đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với văn hóa, lịch sử, địa lý của địa phương và cộng đồng dân cư; có tính mở, tạo điều kiện để giáo viên có thể linh hoạt bổ sung những nội dung tích hợp, gắn với thực tiễn của địa phương. Nội dung SGK phải đảm bảo tính chính xác, khoa học, hiện đại, có tác dụng thúc đẩy học tập tích cực, chủ động, phát huy tư duy sáng tạo, độc lập của học sinh; chú trọng việc rèn luyện cho học sinh khả năng tự học, tự tìm tòi kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực, vận dụng kiến thức thông qua giải quyết nhiệm vụ học tập đặt ra trong mỗi bài học…

Như vậy, quan điểm lựa chọn SGK phải mang tính thống nhất, có tính kế thừa và phát triển, phù hợp với đặc điểm điều kiện địa lý, kinh tế xã hội cũng như điều kiện tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó sách được chọn phải sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông; việc lựa chọn bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định…

Xin cảm ơn ông!

Lan Anh (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.