Multimedia Đọc Báo in

Một chiều với Y Míp Ayun

08:56, 27/11/2016

Chỉ một thời gian ngắn, không vào buôn Kô Siêr (phường Tân Lập-TP. Buôn Ma Thuột) mà đã thấy khác lạ rất nhiều. Cái buôn nằm trong lòng đô thị này đã trở thành… ký ức!

Không gian sống của cộng đồng người Êđê ở đây trở nên chật chội, và ồn ã vì nhịp sống đô thị hóa đã tràn tới từ nhiều năm nay. Tất thảy những nếp nhà dài truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đã được hạ xuống và bê tông hóa từ đầu đến cuối trên con đường mang tên Amí Đoan. Duy chỉ có nhà Y Míp Ayun còn giữ lại ngôi nhà dài cũ kỹ được dựng lên ngót sáu chục năm qua.

Y Míp đón tôi trên ngôi nhà ấy trong buổi chiều Buôn Ma Thuột hửng nắng và se lạnh cuối đông. Ông vẫn thế, hằng ngày cặm cụi và chăm bẵm với những chiếc kèn, cái đàn được làm bằng tre, trúc thân thuộc của mình, hoặc bạn bè và khách hàng gửi đến nhờ sửa chữa, hoặc chế tác mới. Đến chiều tối lại bận rộn, hối hả đi dạy, đi biểu diễn âm nhạc cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống tại các tụ điểm văn hóa, nhà hàng, khu du lịch văn hóa-sinh thái trên địa bàn thành phố và những vùng lân cận. Công việc này giúp gia đình Y Míp kiếm thêm thu nhập, cải thiện đời sống và đặc biệt là giúp người nghệ nhân già này nuôi giữ niềm đam mê vốn văn hóa-văn nghệ dân gian của mình.

Y Míp  soạn  nhạc cụ  để  chuẩn bị  đi diễn.
Y Míp soạn nhạc cụ để chuẩn bị đi diễn.

Ngồi trò chuyện với Y Míp được vài giờ, ông bảo phải sắp sửa vào buôn Akô Dhông dạy đánh chiêng và nhạc cụ truyền thống cho mấy đứa trẻ, tối về còn biểu diễn ở Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh. Thấy Y Míp soạn ra rất nhiều nhạc cụ: kèn đing năm, đing puốt, đing tak tà, tù và, goong brố và sáo…, tôi để ý có hai loại nhạc cụ mới lạ, khá “độc”, đó là bộ chiêng (7 chiếc) xinh xắn được chế tác bằng… nắp thùng phuy và hai cái ching pơng ngộ nghĩnh. Y Míp vừa diễn tấu, vừa dẫn giải rằng: “Cũng từ công việc (giảng dạy và biểu diễn khắp nơi) mỗi lần mang theo các loại nhạc cụ đi cùng rất vất vả, nhất là bộ chiêng đồng to nặng và cồng kềnh. Vì thế mình mới nghĩ sao không chế tác bộ chiêng mới nhẹ nhàng và gọn gàng hơn? Vậy là trong nhà sẵn có mấy cái thùng phuy, mình đục nắp ra, cắt thành từng miếng to nhỏ khác nhau rồi hàn, gò lại cho ra hình dáng chiếc chiêng thực sự. Khó nhất là việc “lên tiếng nói” cho nó chuẩn và đúng điệu như dàn chiêng đồng truyền thống. Cung đoạn này phải mất ròng rã mấy tháng trời mới được như ý đó”.

 

“Âm thanh chuyển tải đầy ắp không khí hội hè chính là cái hay, sự linh hoạt và hiệu quả mang lại từ những nhạc cụ mà nghệ nhân Y Míp sáng tạo và chế tác” 

 

 
Ama Pô - Đội trưởng đội chiêng buôn Kô Siê)       

Thật xứng đáng với tên gọi nghệ nhân Y Míp nổi danh, dưới bàn tay của ông những mảnh sắt đen đúa, vô hồn kia đã có đời sống mới, mang gương mặt và tâm hồn của người tạo tác. Bảy chiếc chiêng, từ bé đến lớn được Y Míp đánh lên, âm vang không khác gì bộ chiêng đồng thực thụ. Còn hai chiếc đing pơng cũng là một sáng tạo độc đáo, chỉ có người am hiểu và có kỹ thuật, cũng như kiến thức sâu dày về vốn âm nhạc dân tộc Êđê như Y Míp mới nghĩ ra và chế tác được. Những ống nứa dài ngắn khác nhau, được kết gắn lại (theo hàng thẳng đứng, đáy ống cao thấp không bằng nhau), phía dưới là tấm gỗ mỏng làm đế, khi dùng tay doọng xuống thì phát ra những âm thanh trầm - bổng cùng một lúc, nghe như dàn ching kram (chiêng tre) được 7 người (như chúng ta thường thấy) cùng hòa điệu diễn tấu. Y Míp bảo rằng: “Với nhạc cụ này, chỉ cần một đến hai người chơi là có thể biểu diễn được các bài chiêng “Đón khách”, “Vào hội” một cách rộn rã, vui tươi không thua gì dàn chiêng tre phải đầy đủ bảy người”.

Tôi nghe một mình Y Míp diễn tấu đing pơng mà cứ ngỡ mình đang lạc vào không gian hội hè đầy ắp âm thanh và vũ điệu của cộng đồng người nhịp nhàng hô ứng, kết nối bền chặt không gì rứt ra được. Đó chính là cái hay, sự linh hoạt và hiệu quả mang lại từ những nhạc cụ mà nghệ nhân Y Míp sáng tạo và chế tác - Ama Pô, Đội trưởng đội chiêng buôn Kô Siêr chân thành nhận xét. Còn với riêng “tác giả” của nó thì giản dị, mộc mạc nói rằng: “Mình làm ra nó là để khi mang đi dạy, đi biểu diễn cho nhẹ nhàng và đỡ vất vả hơn thôi…”.      

 Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.