Multimedia Đọc Báo in

Thương nồi cơm củi

08:46, 30/07/2014
Cuộc sống bây giờ đã phát triển hơn, trong gian bếp mỗi nhà, chiếc nồi cơm điện tiện dụng đã không còn xa lạ. Điều ấy cũng đồng nghĩa với việc hình ảnh gian bếp củi lấm láp tro bụi sẽ vắng dần và một ngày nào đó sẽ không còn nữa. Và nồi cơm nấu bằng củi đun phải hì hục cả buổi trong bếp, nấu khó ngon mà không khéo thì tay dính đầy nhọ, chắc người ta cũng sẽ dần quên...

Người quê tôi đến bây giờ phần nhiều vẫn còn nấu bằng bếp củi. Quê tôi miền núi, kinh tế chưa phát triển, người dân vẫn còn vất vả nắng mưa. Ở nơi ấy, cái bếp ga với người quê tôi vẫn còn lạ lẫm, cái nồi cơm điện thì nhà nào khấm khá mới dám mua. Chỉ có bếp củi là thân thiết với từng nhà, bởi quê tôi nhiều khi thiếu điện, thiếu dầu hỏa, thiếu xăng nhưng củi trong rừng thì không thiếu bao giờ. Vì vậy bếp củi với niêu cơm nồi canh đầy nhọ cứ gắn bó với người quê tôi từ bao đời như thế....

Người ta bảo nấu cơm củi rất khó. Ừ thì khó thật, người không quen không thể nấu được nồi cơm ngon. Chỉ cần lửa to quá thì cơm cháy, lửa không đều thì cơm khê, lửa nhỏ thì cơm nhão. Nấu cơm củi chắt nước đã khó (vì đang lúc cơm sôi sùng sục, chắt không quen thể nào cũng bị bỏng tay. Chọn thời điểm chắt nước để cơm dẻo cũng không phải dễ), nấu cơm củi không chắt nước lại càng khó hơn. Bởi chỉ cần canh nước không đúng, cơm sẽ nhão hoặc sống ngay. Đấy là chưa kể nấu cơm phải ngồi trong bếp, hì hục đun củi cho đều, nóng bức mà bụi tro nhọ nồi lại vương khắp nơi. Người nấu được nồi cơm củi dẻo thơm phải kiên trì và tỉ mỉ là vậy.

Tuổi thơ tôi gắn với nồi cơm củi mẹ nấu. Nhớ những chiều chăn trâu về, từ xa xa phía đầu thôn, nhìn về mái tranh nhà tôi có ngọn khói lam chiều nhẹ tỏa, lòng lại háo hức bữa cơm chiều đạm bạc mà rất ngon do bàn tay mẹ nấu. Mẹ tôi nấu ăn rất kỹ. Ngày trước gia đình khó nghèo, ít khi nào mẹ đi chợ. Nhưng từ trái cà, quả mướp hay đám rau muống, rau đắng mẹ trồng quanh hè, qua đôi tay khéo léo của người và nỗi lòng thương con chẳng được nhiều cá thịt, tuổi thơ tôi luôn có những bữa cơm lạ và ngon miệng. Và dù mẹ có làm món nào đi nữa, trước nhất tôi vẫn thích nồi cơm củi mẹ đun. Bởi cơm củi mẹ nấu bao giờ cũng dẻo thơm từng hạt, ăn cơm không với đường hay nước mắm cũng thấy ngọt ngon. Ít khi nào mẹ để cơm bị nhão hay khê, nồi cơm củi của mẹ bao giờ cũng ngào ngạt thơm mùi gạo quê nhà và vị ngọt mát của nước giếng trong veo. Chừng ấy thôi cũng thỏa ước mơ trong tôi một thời bé dại, bên mẹ và bếp củi than cháy đượm và nồi cơm nấu củi dẻo bùi từng hạt yêu thương.

Sau này đi làm xa, tôi mua về cho mẹ một nồi cơm điện tốt. Mẹ tôi vui lắm. Nhưng mẹ cất kỹ ít khi dùng, chỉ khi nào nhà có khách mới mang ra nấu. Tôi hỏi thì mẹ bảo, việc gì còn làm được thì tự tay mình làm, mẹ nấu cơm củi, ăn cơm củi quen rồi nay nấu bằng nồi cơm điện thấy không ngon. Chợt thấy thương mẹ, cả một đời lam lũ, nên từng thứ mẹ cứ chắt chiu, mua nồi cơm điện về, mẹ cứ bảo để dành cho nó mới, lại đỡ tốn điện, sẵn có củi trong nhà, nấu nồi cơm cũng nhọc gì. Chiều nay gọi điện về hỏi thăm, mẹ bảo cơm canh nấu từ bếp củi dọn hết lên mâm rồi, có về ăn cùng mẹ và các em thì tranh thủ về. Bỗng nghe sóng mũi cay cay, như ngày xưa vào bếp nấu cơm cùng mẹ, khói rơm vào mắt cay xòe…

Trúc Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.