Multimedia Đọc Báo in

Phẫu thuật ghép đầu: Triển vọng và trở ngại

16:16, 19/12/2015

Nếu không có gì thay đổi, ca ghép đầu người đầu tiên trên thế giới sẽ được thực hiện vào năm 2017 bởi hai nhà khoa học Italia và Trung Quốc. Sự kiện trên đã bùng lên cả hy vọng lẫn tranh luận trong cộng đồng khoa học và dư luận về cái được và mất.

Đầu tháng 10-2015 đã diễn ra một ca phẫu thuật thành công ngoạn mục: nối thành công đầu cho bé trai Jackson Taylor (16 tháng tuổi, người Australia) do bị gãy cổ vì tai nạn giao thông khiến phần sọ bị tách rời khỏi cột sống - một dạng chấn thương chuyên môn gọi là “đứt đầu kín”. Rất may, những dây thần kinh chính lại không bị ảnh hưởng nên khả năng hồi phục cao. Bác sĩ Askin, chuyên gia đầu ngành phẫu thuật cột sống, người đảm nhận ca phẫu thuật này thừa nhận, ông chưa hề gặp ca chấn thương nào nghiêm trọng đến như vậy, dạng đứt đầu kiểu “lủng lẳng”, nếu được cứu sống cũng phải sống đời thực vật hoặc bại liệt. Sau 6 giờ phẫu thuật, đầu bé Jackson đã được nối liền với cột sống nhờ mẩu dây thép và một phần cơ lấy từ bên sườn. Hiện, Jackson đã phục hồi, nhưng phải mang bộ khung chỉnh giữ đầu với cơ thể trong vòng vài tuần để giúp dây thần kinh nối giữa đầu với cột sống liên thông phát triển.

Tiến sĩ Sergio Canavero - người sẽ thực hiện  ca ghép đầu vào năm 2017.
Tiến sĩ Sergio Canavero - người sẽ thực hiện ca ghép đầu vào năm 2017.

Ca phẫu thuật trên tuy không phải ghép đầu từ hai cơ thể riêng biệt, nhưng nó cũng mở ra những hy vọng mới cho việc ghép đầu người từ hai cơ thể khác nhau dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2017 cho một thanh niên 30 tuổi người Nga, tên là Valery bị rối loạn teo cơ di truyền (Werdnig-Hoffmann),  ghép vào cơ thể một người hiến tặng đã bị chết não. Được biết, ca phẫu thuật có một không hai này sẽ do tiến sĩ thần kinh học người Italia Sergio Canavero cùng với bác sĩ phẫu thuật người Trung Quốc Xiao-Ping Ren ở Bệnh viên Đại học Y khoa Cáp Nhĩ Tân đảm nhận. Nghe nói Xiao-Ping Ren  đã thực hiện trên 1.000 ca cấy ghép đầu thử nghiệm trên chuột, con sống lâu nhất sau khi phẫu thuật là một ngày.

  Từ lâu ngành y đã có những nỗ lực ghép đầu từ các cơ thể sống khác nhau. Năm 1954, ca cấy ghép đầu tiên được tiến hành trên một con chó bởi bác sĩ phẫu thuật Liên Xô Vladimir Demikhov. Đầu con chó con và hai chân trước được cấy lên lưng một con chó lớn. Ngoài ra, Demikhov còn tiến hành nhiều ca phẫu thuật khác nhưng những con chó này chỉ sống được 2-6 ngày. Năm 1970, nhóm nghiên cứu do Robert White tại Đại học Y khoa Case Western Reserve ở Cleveland (bang Ohio, Mỹ) đã cấy ghép đầu của một con khỉ vào cơ thể của con khỉ khác. Do không nối được các dây cột sống nên khỉ của Robert White không thể di chuyển được nhưng nó vẫn thở với sự trợ giúp nhân tạo và sống được tới 9 ngày cho đến khi hệ thống miễn dịch từ chối chiếc đầu mới.

Mới đây, trên tạp chí Surgical Neurology International, tiến sĩ Sergio Canavero đã công bố tóm tắt các bước phẫu thuật ghép đầu của mình. Theo Canavero, trước khi phẫu thuật, hai phần cơ thể sẽ được bảo quản trong môi trường lạnh đông nhằm hạn chế bất lợi trong môi trường phi dưỡng khí. Người ta sẽ tiến hành cắt mở phần cổ và kết nối mạch máu chính giữa hai phần cấy ghép  với nhau. Giai đoạn quan trọng nhất là cắt rời và nối lại tủy sống, sau đó cổ được khâu lại, bệnh nhân sẽ ở trạng thái hôn mê nhân tạo khoảng 4 tuần. Đây là giai đoạn giúp cơ thể thích nghi với bộ phận mới trong môi trường tĩnh.

Đánh giá về ca phẫu thuật nói trên, ông Richard Borgens, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bại liệt Đại học Purdue (Mỹ) cho rằng ca phẫu thuật không có tính khả thi và bảo đảm bởi không có bằng chứng cho thấy sự kết nối giữa tủy, dây cột sống và não bộ giúp chức năng vận động hoặc cảm giác hoạt động hiệu quả sau ghép nối. Về trường hợp hệ thống miễn dịch từ chối các mô cấy ghép ngoại lai như trường hợp khỉ của Robert White đã chết vì đầu bị cơ thể từ chối,  ông William Mathews, Chủ tịch Viện Hàn lâm thần kinh và bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Mỹ (AANOS) cho rằng đây là một vấn đề phức tạp, tuy nhiên người ta có thể khắc phục bằng cách sử dụng các loại thuốc chống thải ghép.

Một trở ngại khác trong cấy ghép là phải tìm được một quốc gia phê duyệt cho phép làm điều này. Canavero muốn làm thí nghiệm ở Mỹ vì thủ tục dễ hơn so với ở châu Âu. Vấn đề này thực sự liên quan đến đạo đức nên chắc chắn sẽ không ít người phản đối. Theo bà Patricia Scripko, chuyên gia thần kinh học và đạo đức sinh học thuộc Tổ chức Hệ thống chăm sóc sức khỏe Salinas Valley, California, phẫu thuật ghép đầu còn phụ thuộc vào việc người ta định nghĩa, hiểu thế nào về đạo đức. “Tôi tin rằng những gì là đặc trưng của cơ thể được tập hợp trong tổ chức của não. Nếu tăng cường hay tác động đến não thì con người đã được thay đổi, không còn là người nữa, nó mang tính đạo đức”. Harry Goldsmith, Giáo sư lâm sàng phẫu thuật thần kinh tại Đại học California, người đã thực hiện một số ca phẫu thuật để kích hoạt bệnh nhân bị chấn thương cột sống đi lại được cho rằng, đây là một dự án táo bạo, chưa kể đến thủ thủ tục, đặc biệt là việc giữ cho một người khỏe mạnh sống trong tình trạng hôn mê trong 4 tuần là ít khả thi.

Ngay cả Nick Rebel, Giám đốc điều hành chi nhánh của Đại học bác sĩ phẫu thuật Quốc tế, nơi từng giúp đỡ AANOS tổ chức nhiều sự kiện hỗ trợ cho Canavero để khởi động dự án, đặc biệt là tổ chức các buổi hội thảo với các bác sĩ phẫu thuật hàng đầu quốc tế cũng trăn trở:  “Dự án còn rất nhiều điều chưa thỏa mãn, đặc biệt là thời gian. Tôi không đồng ý với Canavero bởi hai năm nữa là quá sớm, giống như người ta muốn lên mặt trăng, trước tiên phải thử nhiều lần, nếu thành công vẫn chưa muộn, chưa kể việc dư luận chưa đồng tình”.

Nguyễn Khắc Nam

(Theo NYT/NS- 10/2015)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.