Multimedia Đọc Báo in

Xã hội hóa y tế, giáo dục: Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân

17:32, 01/09/2010

Bên cạnh sự đầu tư của nhà nước, Dak Lak đã huy động nhiều nguồn lực đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, giáo dục tạo bước đột phá trong chăm sóc sức khỏe nhân dân và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho hệ thống trường học, bệnh viện không chỉ khẳng định vị thế của Dak Lak mà còn mở ra nhiều cơ hội cho người dân thụ hưởng các dịch vụ chất lượng cao.

Chăm sóc sức khỏe với các dịch vụ kỹ thuật cao
Trong những năm qua, ngành Y tế đã chú trọng đầu tư cả cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Hệ thống y tế xã, phường cũng được củng cố với 100% số xã trong tỉnh có cán bộ y tế hoạt động, trên 80% trạm y tế có bác sĩ, trên 95% thôn, buôn có nhân viên y tế, luôn bảo đảm kịp thời việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Đến cuối năm 2009, toàn tỉnh đã có 75,5% số xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Mỗi năm, tỉnh ta đầu tư xây mới 20 trạm y tế tuyến xã, phường với kinh phí khoảng 1 tỷ đồng/trạm và tính đến hết năm 2010, toàn tỉnh sẽ có 85% trạm y tế cơ sở đạt chuẩn Quốc gia. Bên cạnh việc đầu tư cho y tế cơ sở, tỉnh cũng quan tâm phát triển hệ thống y tế tuyến huyện với đầy đủ trang thiết bị thiết yếu và số lượng bác sĩ theo quy định. Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều đã triển khai được các phẫu thuật thông thường mà trước đây chỉ thực hiện được ở tuyến tỉnh như: mổ ruột thừa, triệt sản, mổ đẻ, mổ u nang buồng trứng và mổ ngoài dạ con… Hệ thống y tế tuyến tỉnh ngày càng hoàn thiện. Hiện tại, tỉnh ta có trên 5.000 cán bộ, y bác sĩ, 15 bệnh viện đa khoa từ tuyến tỉnh đến huyện, 4 bệnh viện chuyên khoa, 1 bệnh viện tư, 16 phòng khám đa khoa, 5 nhà hộ sinh, gần 1.100 cơ sở y dược tư nhân với những trang thiết bị hiện đại. Nhờ vậy, hiện mỗi năm, ngành Y tế trong tỉnh đã khám chữa bệnh cho 3,4 triệu lượt người, điều trị nội trú cho 200.000 lượt bệnh nhân, phẫu thuật từ loại 3 trở lên cho 34.000 người. Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao đã được triển khai như: mổ sọ não, mổ nội soi, mổ nối chi và các phẫu thuật cấp cứu khác nên đã thu hút người bệnh đến khám và điều trị, hạn chế dần tình trạng bệnh chuyển tuyến.

Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tập trung nguồn lực xây dựng thêm các bệnh viện chuyên khoa da liễu, mắt, sản nhi, phục hồi chức năng. Bên cạnh đó, ngoài Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh mở rộng quy mô lên 400 giường, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 3 bệnh viện tư khác đó là Bệnh viện chuyên khoa Phụ sản Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Nhân An và Bệnh viện Đa khoa Đất Việt. Dự kiến đến năm 2011, tất cả các bệnh viện tuyến huyện đều được đầu tư nâng cấp hoàn chỉnh. Đến năm 2013, hoàn thành và đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên với quy mô 800 giường bệnh đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh kỹ thuật cao và tiến tới thực hiện điều trị chuyên khoa sâu cho nhân dân các tỉnh khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh của hai nước bạn Lào và Campuchia, giúp giảm đáng kể các ca cấp cứu nặng cần điều trị bằng kỹ thuật cao ở các tỉnh Tây Nguyên lâu nay phải chuyển đến các bệnh viện tuyến trên ở TP. Hồ Chí Minh Công tác y tế dự phòng cũng đã có bước phát triển mạnh. Các bệnh viện từ tuyến tỉnh đến cơ sở đã triển khai phòng dịch, khống chế và dập tắt kịp thời các bệnh lây nhiễm… Bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân, trong chiến lược phát triển mạng lưới y tế, ngành sẽ tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong đó chú trọng công tác đào tạo cử tuyển để tăng cường bác sĩ cho tuyến xã nhằm nâng cao năng lực hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Đồng thời, mở rộng mạng lưới y tế tuyến tỉnh bằng việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các bệnh viện và xây dựng thêm các bệnh viện chuyên khoa, phát triển thêm nhiều bệnh viện tư nhân và khuyến khích các phòng khám tư hoạt động, đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các bệnh viện TP. Hồ Chí Minh để xây dựng thêm Trung tâm tim mạch phục vụ người dân trên địa bàn”.

Nhờ được đầu tư đồng bộ nên Trạm Y tế xã Băng Adrênh đã thực hiện tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. (Ảnh: N.X)
Nhờ được đầu tư đồng bộ nên Trạm Y tế xã Băng Adrênh đã thực hiện tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. (Ảnh: N.X)
Thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ
Cô Trần Thị Liên, giáo viên Trường Mầm non Măng Non (xã Ea B’Hôk, huyện Cư Kuin) vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học chuyên  ngành Giáo dục mầm non do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cấp. Năm 2000, sau khi tham gia lớp chuyên tu đạt chuẩn, cô Liên rất khao khát được học đại học để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình giáo dục mầm non. Tuy nhiên lúc bấy giờ do con còn nhỏ và công việc của một giáo viên đã không cho phép cô thực hiện ước mơ ấy. Nhưng rồi những khó khăn mà cô Liên và nhiều đồng nghiệp khác gặp phải đã được giải quyết khi các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh đã liên kết với nhiều trường mở các lớp đại học chuyên ngành với các hệ từ xa, tại chức.
Trước đây, Dak Lak với Trường Đại học Tây Nguyên và Cao đẳng Sư phạm Dak Lak là nơi đào tạo một vài ngành như: bác sĩ, kỹ sư nông - lâm, giáo viên… Hiện nay với sự ra đời của nhiều trường cao đẳng, trung cấp nghề và sự liên kết với nhiều trường đại học trong toàn quốc của các cơ sở đào tạo trên địa bàn thì mỗi năm hàng nghìn lao động có trình độ kỹ thuật cao ở các chuyên ngành: công nghệ thông tin, tài  chính - ngân hàng, điện công nghiệp - dân dụng, xây dựng dân dụng - công nghiệp, chế biến nông sản thực phẩm, hành chính - văn thư, tin học lập trình, điện tử, viễn thông… tốt nghiệp, đáp ứng một phần quan trọng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Tây Nguyên.

Ông Trương Thức, Trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở Giáo dục - Đào tạo) khẳng định, 5 năm trở lại đây, hệ giáo dục chuyên nghiệp đã có bước phát triển cả về quy mô trường lớp lẫn chất lượng đào tạo. Tỉnh đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư, phát triển các cơ sở đào tạo, đặc biệt tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia công tác đào tạo nguồn nhân lực. Nhờ đó, dẫu là một địa phương miền núi, nhưng tỉnh ta đã có 7 trường chuyên nghiệp, trong đó có 2 trường ngoài công lập và Trường Trung cấp Luật Buôn Ma Thuột do Bộ Tư pháp quản lý. Ngoài thực hiện tốt 22 chuyên ngành đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, các trường, các cơ sở đào tạo còn liên kết với một số trường mở các lớp cao đẳng, đại học giúp nhiều người, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có thêm cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Ông Võ Ngọc Trịnh, Hiệu trưởng Trường Trung cấp  Kinh tế - Kỹ thuật Dak Lak cho biết, mục tiêu của các trường trung cấp chuyên nghiệp là đào tạo ra đội ngũ lao động lành nghề, bên cạnh đẩy mạnh chương trình liên kết với các trường giàu kinh nghiệm trong cả nước để cùng đào tạo, đồng thời chủ động mời các doanh nghiệp có tâm huyết giảng dạy ở một số bộ môn đòi hỏi tính thực hành nhiều, đặc biệt, tổ chức cho sinh viên thực tập ngay tại doanh nghiệp. Việc liên kết này, không chỉ giúp sinh viên được cọ sát với thực tiễn công việc còn  giúp nhà trường nắm bắt được yêu cầu từ các doanh nghiệp để đào tạo đúng cái họ cần, giúp sinh viên có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm, hướng tới mục tiêu đào tạo nguồn lao động theo yêu cầu của xã hội.

Nguồn lao động có học vấn, có trình độ chuyên môn cao sẽ tăng chất lượng việc làm và giá trị lao động. Đây là yếu tố quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sớm đưa Dak Lak trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội vùng Tây Nguyên.

Nguyễn Xuân - Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.