Multimedia Đọc Báo in

Chòi rẫy - nét đẹp văn hóa truyền thống của người Êđê

09:54, 19/09/2014

Xưa kia, đồng bào Êđê sống chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Trung bình mỗi gia đình có từ 5-7 vạt rẫy. Các chủ rẫy không canh tác một lúc, mà canh tác theo phương thức luân canh.

Nghĩa là năm nay họ trồng trọt ở vạt rẫy này, thì mùa rẫy năm sau họ trồng ở vạt rẫy khác. Cứ thế, họ luân canh hết vạt rẫy này sang vạt rẫy nọ, cho đến 5-7 mùa rẫy sau họ mới quay lại canh tác trên vạt rẫy ban đầu. Rẫy của người Êđê thường cách nơi cư trú của buôn làng khá xa, do đó chủ rẫy phải làm chòi để ở lại chăm sóc cây trồng (lúa, bắp, hoa màu…) và bảo vệ nương rẫy không cho chim thú vào phá hoại, nhất là vào mùa lúa chín.

Chòi rẫy (sang hma) của đồng bào Êđê là một nhà sàn cao, diện tích trung bình khoảng 4x5 m (có nơi diện tích nhỏ hơn, khoảng 3x4 m), sàn cao so với mặt đất từ 2-2,5 m (để phòng thú dữ và mưa lụt). Chòi được làm bằng các nguyên vật liệu sẵn có của núi rừng như: gỗ, tre, nứa, tranh, mây… Nhìn chung chòi rẫy gần giống như một nhà dài thu nhỏ. Trong chòi có kho đựng lúa, có nơi nghỉ ngơi, có bếp lửa, có bầu đựng nước, vài ba ché rượu nhỏ và các công cụ lao động (xà gạc, rìu, cào cỏ, cuốc, ống đựng lúa giống, cây chọc lỗ trỉa hạt…), cùng chiếc nỏ, cung, tên, giáo mác để hộ thân. Chòi rẫy của mỗi gia đình người Êđê thường cách nhau từ 500-600 m. Tuy cách nhau xa như vậy, nhưng trong những ngày phát rẫy, đốt rẫy, gieo hạt đến khi thu hoạch, các chủ rẫy thường giúp nhau cùng làm. Đặc biệt, những khi gặp khó khăn, hoạn nạn (đau ốm, tai nạn, hoặc thú dữ về phá rẫy), họ đều quan tâm, giúp đỡ nhau một cách chân tình như người trong một nhà.

Vào những đêm rỗi rãi, những người giữ rẫy thường tụ tập đến chòi rẫy của nghệ nhân có tài kể khan (sử thi) để được nghe kể các sử thi quen thuộc của dân tộc mình như: Dam San, Dam Ji, Sing Nhã… Không gian kể sử thi ở đây là trong chòi rẫy, nó không rộng bằng không gian nhà dài và người nghe kể cũng không nhiều như ở buôn làng, nhưng đây là một không gian yên tĩnh rất phù hợp cho người kể và người nghe sử thi. Chính trong không gian này, người kể càng hưng phấn để diễn xướng nội dung các bài khan. Người nghe không nhiều (khoảng trên dưới 10 người), nhưng lại say sưa thưởng thức lời khan, nên dễ nhập tâm để sau này kể lại cho con cháu nghe và có thể trở thành những nghệ nhân kể sử thi của buôn làng. Đây là hình thức sinh hoạt hát kể sử thi gắn với cuộc sống lao động làm rẫy và gắn với  không gian núi rừng, nó giúp cho mọi người có thời gian thư giãn, để lao động đạt hiệu quả cao hơn, với ước vọng khỏe mạnh tài giỏi như Dam San, Sing Nhã… để làm ra của cải, vật chất cho gia đình và cộng đồng.

Trong những năm gần đây, với sự tác động của tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp, hầu hết các buôn làng của người Êđê đã chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác cây lúa rẫy sang canh tác cây công nghiệp (cà phê, hồ tiêu, cao su, ca cao…), nên chòi rẫy không còn nữa. Mặt khác những nghệ nhân biết hát kể sử thi đã già yếu (một số người đã về với tổ tiên) mang theo kho báu sử thi về với thế giới của ông bà và người nghe cũng không mặn mà với sinh hoạt kể sử thi như trước nữa.

Sự vắng bóng của chòi rẫy trong không gian văn hóa của người Êđê đã kéo theo sự mai một của sinh hoạt văn hóa hát kể sử thi tại không gian độc đáo này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho không gian hát kể sử thi của đồng bào Êđê nói riêng và Tây Nguyên nói chung đang đứng trước nguy cơ mai một, cần có biện pháp bảo tồn trước mắt và lâu dài.

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.