Multimedia Đọc Báo in

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học: Bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái - Kỳ II

11:11, 13/09/2016

Kỳ II: Tăng cường nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học

Theo “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, phải kết hợp hài hòa giữa bảo tồn với khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên sinh vật, chú trọng dịch vụ sinh thái; bảo đảm an toàn ĐDSH; huy động mọi nguồn lực, kinh nghiệm trong nước và quốc tế…

Xây dựng quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Nhằm bảo vệ và phát triển bền vững các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn các nguồn gen tự nhiên nguy cấp quý hiếm, các nguồn gen cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao của tỉnh; sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH; duy trì và phát triển dịch vụ hệ sinh thái (HST) thích ứng với biến đổi khí hậu thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương… mới đây Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2020 tỉnh sẽ thành lập hệ thống khu bảo tồn gồm chuyển tiếp Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn, khu bảo tồn (KBT) sinh cảnh thông nước; mở rộng VQG Chư Yang Sin và các khu dự trữ thiên nhiên Nam Kar, Ea Sô; thu hẹp một phần khu bảo vệ cảnh quan hồ Lắk; thành lập KBT loài – sinh cảnh sông Krông Ana; bảo vệ và phát triển bền vững các HST rừng tự nhiên, HST đất ngập nước; ưu tiên bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm, loài cây trồng vật nuôi đặc sản của tỉnh…  Định hướng đến năm 2030, hạn chế tối đa về suy giảm ĐDSH; bảo vệ và phát triển bền vững các HST tự nhiên, quản lý và kiểm soát các sinh vật ngoại lai xâm hại, xây dựng và thực hiện chiến lược phòng ngừa, xử lý các sự cố; thành lập mới KBT thiên nhiên Vọng Phu (huyện M’Đrắk), hành lang đa dạng sinh học; xây dựng chương trình bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các giống đặc hữu, quý hiếm, có giá trị kinh tế cao…

Người dân huyện Krông Pắc được giao đất trồng rừng.
Người dân huyện Krông Pắc được giao đất trồng rừng.

TS. Lê Trần Chấn - Giám đốc Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học, cán bộ Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam chia sẻ, việc quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã được xây dựng theo 3 phương án. Trong đó, phương án 3 là điều chỉnh ranh giới, thu hẹp, mở rộng hợp lý trên cơ sở đánh giá thực trạng ĐDSH gồm 8 KBT, 6 HST rừng tự nhiên, 2 HST tự nhiên không thuộc HST rừng và 3 hành lang ĐDSH, 15 cơ sở bảo tồn và 72 giống cây trồng, vật nuôi bản địa, tổng diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ hơn 570.000 ha (chiếm 100% diện tích rừng tự nhiên) được chọn để quy hoạch bảo tồn ĐDSH trên địa bàn tỉnh. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu khoa học, phương án này có tính khả thi rất cao, phù hợp với các quy hoạch trước đó, ít tác động đến hệ sinh thái nông nghiệp và khu dân cư.

Hướng đến ổn định sinh kế lâu dài cho người dân

Đối với người dân sống xung quanh các KBT, rừng là một trong những nguồn thu nhập và là sinh kế của họ. Do đó, xác định việc tìm các sinh kế thay thế cho người dân là hết sức quan trọng nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên. Thời gian qua, nhiều mô hình, giải pháp đã được triển khai thực hiện tại các huyện M’Đrắk, Ea Kar, Ea Súp, Buôn Đôn như: chăn nuôi bò dưới tán rừng giúp người dân tăng thêm thu nhập, hiệu quả kinh tế cao hơn hình thức chăn nuôi thường khoảng 30%; kết hợp giải pháp sinh kế với mô hình bảo vệ rừng cộng đồng; triển vọng làm giàu rừng khộp bằng cây tếch… Tuy nhiên, trên thực tế những mô hình này vẫn chưa được nhân rộng và tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong các hộ dân sinh sống cạnh rừng. Chính vì vậy, trong kế hoạch “Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam sau khi nghiên cứu, khảo sát hiện trạng đã đề xuất những giải pháp tạo nguồn sinh kế lâu dài cho nhân dân như: giải pháp bảo tồn cây thuốc nam thông qua việc thiết lập các vườn ươm, vườn cây thuốc tại các hộ làm nghề thuốc để trồng giống thuốc quý hiếm; chăn nuôi heo rừng lai và heo địa phương dưới tán rừng khộp nghèo; khai thác tinh dầu ở rừng khộp; trồng cây công nghiệp xen dưới tán rừng…

GS. TSKH Đặng Huy Huỳnh (Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam) cho biết: “Để phát huy vai trò cộng đồng trong bảo vệ đa dạng sinh học, trước hết chúng ta phải nâng cao nhận thức, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống dựa vào rừng. Bởi để bảo vệ và phát triển rừng, nếu chỉ có lực lượng kiểm lâm mà không nhận được sự hỗ trợ của người dân thì không thể nào bảo đảm rừng được nguyên vẹn”. Tuy nhiên, muốn làm được điều này, trước hết cần có cơ chế, kế hoạch dài hạn nhằm khuyến khích sự tham gia của các hộ gia đình, cá nhân sinh sống hợp pháp trong KBT vào hoạt động quản lý và chia sẻ lợi ích ở khu vực; ưu tiên triển khai các chính sách hỗ trợ khác để tăng nguồn thu nhập cho người dân; tập trung ưu tiên nguồn lực để đào tạo, phát triển nhân lực tại chỗ tạo điều kiện cho sự phát triển ổn định, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số…    

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.