Multimedia Đọc Báo in

"Sống xanh "...

13:42, 07/02/2021

Cuộc sống hiện đại với đủ đầy các dịch vụ, tiện ích đáp ứng mọi nhu cầu, nhưng có một xu hướng thực tế là ngày càng nhiều bạn trẻ chọn cho mình phong cách sống tối giản, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng các đồ dùng thân thiện với môi trường và hạn chế tối đa rác thải nhựa, túi ni lông…

Tối giảm rác thải nhựa

Từng nghĩ rằng những vấn đề như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường là chuyện rất to tát, xa xôi, đến năm 2018 khi điều hành một quán cà phê, Đào Thị Ngọc (sinh năm 1991, đường Nguyễn Nhạc, TP. Buôn Ma Thuột) mới nhận ra rằng thực ra ô nhiễm môi trường có thể bắt nguồn từ chính cuộc sống của mỗi cá nhân. Từ quán của mình, Ngọc tính ra khối lượng khổng lồ các chất thải nhựa (ống hút nhựa, ly cốc nhựa dùng một lần...) mà các quán cà phê, ăn uống thải ra hằng ngày.

Càng tìm hiểu càng thấy... day dứt với môi trường, Ngọc bắt đầu mày mò làm ống hút từ lá dừa, rồi tìm mua ống hút giấy, ống hút gạo, ống hút tre, inox về sử dụng và thuyết phục các chủ quán khác làm theo, bỏ thói quen dùng ống hút nhựa. Với những khách hàng đến quán yêu cầu ống hút nhựa hoặc mua đồ ăn đựng trong hộp xốp, Ngọc đều thuyết phục, vận động họ bỏ thói quen sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Trong cuộc sống hằng ngày Ngọc cũng hạn chế tối đa xả rác thải nhựa ra môi trường. Cô mang giỏ và hộp nhựa đựng đồ ăn khi đi chợ; nếu bất chợt mua gì mà không có sẵn giỏ cô cũng kiên quyết cầm trên tay chứ không lấy túi ni lông.

Đào Thị Ngọc (bên phải) giới thiệu với khách hàng về những sản phẩm mây tre đan thân thiện với môi trườn
Đào Thị Ngọc (bên phải) giới thiệu với khách hàng về những sản phẩm mây tre đan thân thiện với môi trường.

Từ nhu cầu của bản thân là hướng đến sử dụng các sản phẩm xanh - sạch - thân thiện với môi trường, Ngọc nảy ra ý định kinh doanh những mặt hàng như vậy để lan tỏa lối sống xanh, bảo vệ môi trường. Nghĩ là làm, Ngọc cho thuê lại quán cà phê và mở một cửa tiệm bán đồ mây tre đan nho nhỏ ngay tại nhà. Shop Mây Craft của cô bán đủ các đồ mây tre đan phục vụ nhu cầu trong cuộc sống; các sản phẩm dầu gội, nước rửa chén, nước giặt, xà bông… sinh học. Giá bán cũng “mềm” hơn nhiều nơi khác bởi Ngọc nghĩ bớt đi chút lãi bán giá rẻ hơn để ai cũng có thể dùng được những sản phẩm thân thiện với môi trường. Khách nào đến mua hàng cũng được nghe cô chủ say sưa nói về sống xanh, bảo vệ môi trường, được vận động bỏ đồ nhựa, hạn chế xả rác… Tự nhận mình bị “ám ảnh với vấn đề môi trường”, cô gái trẻ Đào Thị Ngọc còn đang ấp ủ ý tưởng sẽ mở một xưởng sản xuất các loại túi giấy (kraft) để thay thế túi ni lông.

Thay đổi lối sống vì môi trường

Trước đây Bùi Thị Cẩm Lệ (SN 1989, ở đường Nguyễn Tri Phương, TP. Buôn Ma Thuột) cũng như nhiều bạn trẻ khác, thích mua sắm, tụ tập bạn bè. Tuy nhiên, khi mang thai cậu con trai đầu lòng, Lệ nghiên cứu nhiều hơn về dinh dưỡng và quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ môi trường. Nhận ra rằng cách mình duy trì cuộc sống hôm nay và cách mình đối xử với môi trường bây giờ có thể ảnh hưởng lâu dài trong tương lai, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của chính con cháu mình sau này, Lệ quyết định thay đổi lối sống của gia đình. Vợ chồng cô hạn chế ăn nhậu, tiệc tùng, cà phê; trong ăn uống thì chọn lọc các loại thực phẩm hữu cơ, ăn nhiều rau xanh, ít tinh bột, hạn chế thịt, cá và cắt giảm các loại gia vị nêm nếm công nghiệp. Lệ nghiên cứu tự làm sữa hạt cho con uống; làm sữa chua từ các loại nấm thủy sinh như kefir, kompucha…

Trong sinh hoạt hằng ngày, Lệ loại bỏ hoàn toàn các sản phẩm tẩy rửa bằng hóa chất. Cô tự lên men enzym từ bồ hòn để làm nước rửa chén, lau sàn; nấu nước bồ kết để gội đầu; thay bột giặt bằng bóng giặt hay túi giặt. Cho rằng cách bảo vệ môi trường tốt nhất là hạn chế xả rác, vì vậy, mỗi khi đi chợ cô đều mang giỏ, các loại hộp để đựng đồ ăn và kiên quyết không nhận túi ni lông. Ở nhà, Lệ thực hiện phân loại rác: rác hữu cơ thì ủ làm phân bón cho cây trồng; các loại rác thải có thể tái chế hoặc sử dụng lại thì mang cho những người có nhu cầu. Mỗi khi mua hàng online, cô đều yêu cầu người bán hạn chế gói hàng bằng túi ni lông hoặc mua nhiều sản phẩm cùng một chỗ để giảm bớt rác thải trong quá trình đóng gói. Với cách làm như vậy, mỗi tháng gia đình Lệ chỉ bỏ đi… một bịch rác.

Từng thích mua sắm theo mốt, đổi điện thoại, xe máy cho hợp thời, giờ đây Cẩm Lệ gần như thay đổi hoàn toàn. Cô không ăn diện, quần áo tối giản hết sức có thể, không xài mỹ phẩm và ch

Đông đảo bạn trẻ đến tham gia hoạt động “Phiên chợ xanh tử tế” tại Đường sách Buôn Ma Thuột - Ảnh: THANH HƯỜNG
Đông đảo bạn trẻ đến tham gia hoạt động “Phiên chợ xanh tử tế” tại Đường sách Buôn Ma Thuột. Ảnh: Thanh Hường.

ỉ mua những món đồ thật sự cần thiết. Lệ tâm sự: “Nhiều người bạn, thậm chí người thân trong gia đình cho rằng em có lối sống khắc kỷ, trẻ mà sống như người già, thậm chí lập dị bởi suốt ngày nói về việc duy trì lối sống tối giản, sống xanh. Nhưng mình cứ kiên trì, tiếp tục vận động mọi người bảo vệ môi trường. Mưa dầm thấm lâu, mọi người trong gia đình em cũng bắt đầu hạn chế các loại thực phẩm công nghiệp hay có thói quen mang giỏ đi chợ…”. Niềm vui nhất với Lệ là lối sống này đang ngày càng “thấm” vào cậu con trai nhỏ khi cậu đã biết nhắc mọi người sử dụng túi ni lông, bỏ rác đúng nơi quy định…

Làm bạn với thiên nhiên

Hướng đến cuộc sống gần gũi với thiên nhiên, truyền đi năng lượng tích cực cho mọi người cũng là cách sống mà Bùi Như Thảo, huấn luyện viên yoga tại TP. Buôn Ma Thuột lựa chọn.

Nhìn cuộc sống của Thảo bây giờ: an nhiên, tự tại, thư thái và hòa mình vào thiên nhiên, khó ai tưởng tượng cách đây chưa lâu cô gái sinh năm 1987 này từng tất bật với guồng quay cuộc sống giữa đất Sài Gòn sôi động. Hai năm trước, Thảo là nhân viên giám sát bán hàng cho một công ty kinh doanh về thiết bị y tế. Cô cũng đã có bằng huấn luyện viên yoga với mục đích chuẩn bị cho cuộc sống khi… về già. Thế rồi, một cơ duyên khiến Thảo thay đổi suy nghĩ, quyết định chuyển về sinh sống ở vùng đất cao nguyên mà cô đã rời xa hàng chục năm. Cô mở một cơ sở dạy yoga, bước vào một cuộc sống bình lặng hơn, hằng ngày dạy và nghiên cứu yoga, thiền tập.

Thảo đặt tên cơ sở yoga của mình là Vườn Yogi bởi khuôn viên của cơ sở giống như một khu vườn nhỏ, xanh mát, tràn ngập tiếng chim. Thảo yêu cây cối và chăm cây, nói chuyện với cây, cho cây “ăn” như đối xử với một con người. Khuôn viên Vườn Yogi và ban công căn nhà nhỏ của Thảo đầy cây xanh bởi cô không bỏ đi một cây nào, không chọn lựa chỉ trồng những cây đẹp. Thảo bảo, luyện tập yoga và thiền giữa không gian xanh mát ấy mang lại nhiều năng lượng hơn bao giờ hết... Yêu thiên nhiên đến nỗi đôi khi Thảo đứng ra tổ chức những chuyến du lịch trekking (đi bộ đường dài/đi bộ leo núi) ở các vùng hoang sơ, khám phá thiên nhiên trọn vẹn trong vẻ đẹp của chính nó khi con người từ bỏ những tiện nghi trong cuộc sống để sống hoà mình với thiên nhiên, rèn luyện kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống tự nhiên.

 

Bùi Như Thảo trong một chuyến trekking. Ảnh: Nhân vật cung cấp 
Bùi Như Thảo trong một chuyến trekking. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xen kẽ giữa những lớp yoga cơ bản, Thảo còn mở những lớp yoga dành riêng cho những người có bệnh lý; dạy yoga miễn phí cho trẻ em; tổ chức những nhóm thiền Vipassana dành cho mọi người tại chính nhà mình. Trong các lớp yoga của mình, cô thường để học viên cảm nhận được cơ thể của mình, chú trọng đến việc hít - thở hơn là các tư thế nâng cao, phô diễn cơ thể. Tâm nguyện của Thảo là muốn truyền cảm hứng cho mọi người về một lối sống yoga để yoga thành một phương pháp chữa lành cả về tâm trí và cơ thể cho mọi người; giúp mọi người có năng lượng tích cực để cân bằng thân - tâm - trí trong cuộc sống bận rộn.

Không chỉ thay đổi cuộc sống của chính mình, các bạn trẻ như Ngọc, Lệ, Thảo… còn lan tỏa ra cộng đồng với những hoạt động ý nghĩa như: Đổi rác lấy cây; tái chế các đồ vật cũ; thời trang tuần hoàn với phương châm “tái chế chưa đủ, cần giảm thiểu và tái sử dụng”; tham gia những hội nhóm “Cộng đồng ẩm thực xanh”, “Lối sống tối giản”, “Nói không với túi ni lông”... để trao đổi kinh nghiệm sống xanh, bảo vệ môi trường. Những việc làm ấy dù nhỏ song đã và đang góp phần tích cực để “chữa lành” môi trường với hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn…

Hồng Hà

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.