Multimedia Đọc Báo in

Quả bom nguyên tử đầu tiên được Mỹ ném xuống Nhật Bản như thế nào?

09:51, 26/08/2018
Cuối tháng 10-2017, tại Mỹ đã phát  hành cuốn sách “From THE ACCIDENTAL PRESIDENT: Harry S. Truman and the Four Months that Changed the World” (tạm dịch: “Harry S. Truman và bốn tháng làm thay đổi thế giới”) của tác giả A.J. Baime hé lộ về quá trình Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản tháng 8-1945.
 
Theo cuốn sách, chưa đầy bốn tháng sau khi nhậm chức và ngay sau tham dự Hội nghị Potsdam trở về, Tổng thống Mỹ Harry Truman đã ra lệnh thực hiện ngay một chương trình bí mật, trực tiếp chỉ huy ném quả bom nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản. Và theo chính lời ông Harry Truman, đây là sản phẩm của Dự án Manhattan và đã "thành công ngoài mong đợi". Trước đó một ngày, Harry Truman đã viết trong nhật ký: “mục tiêu quân sự, binh lính và thủy thủ Nhật Bản là mục tiêu chính chứ không phải là phụ nữ và trẻ em”. 
 
Vào lúc 2 giờ chiều ngày 5-8-1945, từ trụ sở chính Guam, nam Thái Bình Dương, Tướng LeMay đã đưa ra quyết định cuối cùng: chọn máy bay 509 để ném quả bom nguyên tử vào ngày 6-8. Cũng phải nói thêm rằng, Dự án Manhattan để sản xuất hai trái bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Nhật Bản được Mỹ giữ bí mật tuyệt đối cho đến phút chót. Ngay cả Tướng LeMay cũng chỉ biết nó là bom nguyên tử vài giờ trước khi quả bom được thả xuống Nhật. Theo nguồn tin tình báo của Mỹ, Hiroshima là “một thành phố quân đội với rất nhiều vũ khí, khí tài quan trọng”. Ngoài ra Hiroshima không có trại POW (tù nhân chiến tranh) nên người Mỹ tin rằng chắc chắn họ sẽ không giết hại dân thường. Tuy nhiên, trên thực tế, Hiroshima không phải là thành phố quân đội mà là thành phố dân sinh đang phát triển thịnh vượng với dân số trên 318.000 người.
 
Đội bay của B-29 Enola Gay, những người đã thực hiện chuyến bay  nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản ngày 6-8-1945.
Đội bay của B-29 Enola Gay, những người đã thực hiện chuyến bay nguyên tử đầu tiên xuống Nhật Bản ngày 6-8-1945.
Căn cứ không quân Tinian thực sự là một tiền đồn công nghiệp, một biểu tượng khéo léo của người Mỹ nằm ở phía tây Thái Bình Dương, cách Nhật Bản khoảng 6 giờ bay. Trước đó, hòn đảo nhỏ này là nơi chuyên trồng mía nhưng đã được chuyển đổi mục đích thành sân bay quân sự lớn nhất thế giới mà mục đích chính là để ném trái bom nguyên tử Little Boy. Phi công Paul W. Tibbets, người trực tiếp lái chiếc máy bay B-29 Superfortress đã đặt tên cho máy bay là Enola Gay, tên mẹ của Tibbets.
 
Rạng sáng 6-8 chuyên gia cắt bom của Enola Gay, Thomas Ferebee thét lên, “chúng ta đã tiếp cận mục tiêu”. Lúc này B-29 Enola Gay đang bay với tốc độ 528 km/giờ ở chế độ bay tự động, độ cao 9.500 m. Hiroshima nằm ngay bên dưới. Phi công Robert Lewis là người đảm nhận ghi chép nhật ký hành trình cho hay ngồi trên máy bay có thể nhìn thấy Hiroshima bên dưới một cách khá rõ. Do bị tác động lực mạnh nên khi Lewis ghi nhật ký, chữ của viên phi công này cũng nguệch ngoạc và khó đọc, kể cả câu cảm thán đơn giản: “Chúa ơi, chúng ta đã làm gì?”.
 
Sau 45 phút bom nổ (8 giờ 15 phút giờ Hiroshima sáng ngày 6-8) từ một thành phố nhộn nhịp, Hiroshima đã biến thành một vùng đất chết. Những người sống sót còn nhớ như in ánh sáng flash đầu tiên ngay sau khi bom kích nổ, kèm theo âm thanh chói tai mà người ta chưa hề nghe thấy bao giờ. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 600 m với lượng nổ 13 kiloton, ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người. Trong số này, có khoảng 2.000 người Mỹ gốc Nhật và từ 800 - 1.000 người Mỹ khác lãnh hậu quả của vụ nổ. Họ là những công dân Mỹ đang theo học ở Nhật  không thể rời khỏi Nhật Bản khi chiến tranh nổ ra. Có thể có cả hàng trăm tù binh phe Đồng Minh chết trong vụ ném bom này. Bán kính bị tàn phá là 1,6 km và cháy trên diện tích 4,4 km2. Ước tính 90% nhà cửa ở Hiroshima bị hủy diệt hoặc hư hại. Theo báo cáo, chỉ có một người duy nhất tên là Goichi Oshima nằm trong bán kính 100 yards (92 m) trên mặt đất Hiroshima còn sống sót sau vụ nổ. Mười năm sau, Goichi Oshima đã mô tả những gì chứng kiến như sau: “Một tia chớp đột ngột, một vụ nổ kinh hoàng, rồi mọi thứ trở nên đen xịt, mọi thứ trở nên chết chóc trong giây lát”.
 
Khắc Nguyễn  (Dịch từ History- 8-2018)
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.