Multimedia Đọc Báo in

Thăm ngõ Compoint, nhớ Bác Hồ

16:32, 14/02/2019

Đến thăm Paris, có một địa điểm người Việt Nam không thể bỏ qua là ngõ Compoint, nơi có ngôi nhà số 9 nổi tiếng mà Bác Hồ kính yêu đã từng sống để hoạt động cách mạng trên đất Pháp.

Ngõ Compoint (Công - poanh) thuộc quận 17 - Paris. Con ngõ sâu chỉ chừng 50 m, rộng khoảng 15 m. Đã gần một thế kỷ đi qua, thật khó hình dung khu trọ của những người lao động nghèo ngày ấy. Bây giờ nơi đây là những căn nhà cao tầng; còn căn nhà số 9 được tách ra và nơi Bác Hồ từng ở là căn 9 bis. Ngôi nhà đã được BCHTƯ Đảng Cộng sản Pháp phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Hội Việt kiều tại Pháp gắn biển lưu niệm vào ngày 15-1-1983 để ghi nhớ và giữ gìn những kỷ niệm sâu sắc về Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Tấm biển đồng đen, với dòng chữ vàng đúc nổi bằng tiếng Pháp, nội dung: “Tại nơi đây, từ năm 1921 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc, người thường được biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh, đã sống và chiến đấu vì quyền độc lập và tự do cho nhân dân Việt Nam và các dân tộc bị áp bức khác”.

abc
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Bác Hồ những năm tháng hoạt động cách mạng ở Pháp

Theo tư liệu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước năm 1911, đi qua nhiều quốc gia trên thế giới, năm 1917 Bác Hồ trở lại nước Pháp sống và hoạt động cách mạng ở nhiều nơi. Tại Paris, Bác đã tham gia Hội những người An Nam yêu nước, đứng tên Nguyễn Ái Quốc ký vào “Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam” - tức Bản yêu sách tám điểm của nhân dân Việt Nam gửi tới lãnh đạo các cường quốc dự Hội nghị Véc-xay 1919. Năm 1920, Bác tham gia đại hội Tua, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp và đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Năm 1921, Bác đã gặp nhiều người cách mạng châu Phi, châu Mỹ latinh. Để có thể hoạt động độc lập và tiện cho việc liên lạc, hoạt động cách mạng, tháng 7-1921, Bác Hồ chuyển từ ngôi nhà số 6 Villa des Gobelins (quận 13, Paris) đang ở cùng với ông Nguyễn Thế Truyền và luật sư Phan Văn Trường (cùng thuộc Hội những người An Nam yêu nước) đến chỗ ở mới là ngôi nhà số 9 ngõ Compoint (quận 17, Paris). Căn phòng Bác thuê ở gác 2 của ngôi nhà, rộng chỉ 9 m2, đồ đạc hầu như không có gì ngoài chiếc giường sắt cá nhân, tủ đựng quần áo, chiếc tủ thấp đầu giường vừa làm bàn ăn vừa làm bàn viết, và một viên gạch chịu nhiệt giúp Bác chống chọi với những đêm đông lạnh giá. Hình ảnh viên gạch đã đi vào hình tượng thơ của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài “Người đi tìm hình của nước”:

“Có nhớ chăng, hỡi gió rét thành Ba Lê

Một viên gạch hồng, Bác chống lại cả một mùa băng giá”

abc
Ngõ Compoint, nơi có ngôi nhà số 9 nổi tiếng

Có thể nói từ thời gian này, Bác Hồ đã có nhiều hoạt động quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến mới trong sự nghiệp cách mạng của mình như tham gia thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Hội đã bầu Ban Thường vụ do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu; thông qua Điều lệ do Nguyễn Ái Quốc thảo với mục đích chính là “Bênh vực cho quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa”. Đầu năm 1922, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã họp quyết định lập ra Hội Hợp tác người cùng khổ và ra tờ báo cùng tên (Le Paria - Người cùng khổ) do Nguyễn Ái Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Người đã đảm nhiệm nhiều công việc của báo, từ việc tổ chức ban biên tập, tòa soạn, viết bài, sửa chữa, đi in, đem báo về tòa soạn, cho đến việc gửi báo đi các thuộc địa. Báo được in ba thứ tiếng: Pháp, Ả Rập và Trung Quốc. Số đầu tiên ra ngày 1-4-1922, Người cùng khổ đã đăng lời nói đầu tuyên bố rằng báo này “là vũ khí để chiến đấu, sứ mạng của nó đã rõ ràng: Giải phóng con người”. Báo Người cùng khổ đã thật sự trở thành vũ khí chiến đấu, là diễn đàn để Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp thuộc địa tuyên truyền tư tưởng giải phóng các nước thuộc địa. Việc xuất bản báo Người cùng khổ là một vố đánh vào bọn thực dân ở các nước thuộc địa, nhất là ở Đông Dương; nên ai đọc báo Người cùng khổ đều bị bắt!

abc
Căn hộ 9 bis (X) - nơi có căn phòng Bác Hồ từng sống từ năm 1921 -1923
abc
Tấm biển lưu niệm gắn trước căn hộ 9 bis ngõ Compoint.

 

Theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản đào tạo Nguyễn Ái Quốc trở thành lãnh tụ tương lai cho cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản cùng với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức cho Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga. Tháng 6-1923, Bác Hồ tạm biệt Paris, tạm biệt nước Pháp, để lại hình ảnh đẹp về một chiến sỹ quốc tế nhiệt thành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thực hiện những lý tưởng cao đẹp của đại cách mạng Pháp: Lý tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái.

Câu chuyện về “viên gạch hồng”

Hình ảnh “viên gạch hồng” trong bài thơ của Chế Lan Viên xuất phát từ lời kể của Bác Hồ: Những ngày mùa đông ở Paris rất lạnh, nhất là ban đêm. Vậy nên mỗi buổi sáng đi làm, Bác gửi nhờ một viên gạch vào lò sưởi của chủ nhà trọ; chiều tối đi làm về Bác xin lại viên gạch, bọc vào tờ giấy báo đặt dưới giường để có hơi ấm khi ngủ. Lời kể vắn tắt này khiến nhiều người khó hình dung, thậm chí cho rằng đó là điều phi thực tế. Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu, việc sử dụng viên gạch để giữ hơi ấm là chuyện có thật ở các nước châu Âu thời đó khi không có lò sưởi - thường là với người nghèo. Có điều viên gạch được sử dụng là viên gạch đặc biệt: gạch chịu lửa, có tác dụng giữ nhiệt được 5-7 giờ khi gói vào trong giấy hoặc vải. Trên viên gạch có 2 lỗ để người dùng lấy que xiên qua khi đưa ra khỏi lò. (Xem ảnh).

Viên gạch chịu lửa đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắc nhở về cuộc sống gian khổ của Bác Hồ ở ngõ Compoint.
Viên gạch chịu lửa đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh nhắc nhớ về cuộc sống gian khổ của Bác Hồ ở ngõ Compoint.

Thời đó, buổi sáng ngủ dậy người ta thường chào nhau bằng câu: “Hòn gạch đêm qua có nóng không?” - nghĩa là “ngủ có ngon không?”.

Với câu chuyện “viên gạch hồng” (viên gạch màu hồng, chứ không phải nung đỏ hồng như có người hiểu nhầm), chúng ta càng khâm phục ý chí kiên cường của Bác Hồ vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách để tìm ra con đường cứu nước cứu dân. Công lao trời biển của Người mãi mãi được mọi thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và tri ân.

Thế Nhân

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.