Multimedia Đọc Báo in

Duyên dáng sắc chàm Tày

15:15, 14/07/2014

Sinh sống ở hầu khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai... đồng bào dân tộc Tày đã tạo cho mình một bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua ẩm thực, trò chơi dân gian, ngôn ngữ... Đặc biệt, trang phục của người phụ nữ Tày từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa cũng như nét đẹp bình dị và độc đáo của dân tộc Tày ở khắp các miền đất.

Đã trở thành truyền thống, người phụ nữ Tày ở hầu khắp các tỉnh đều rất coi trọng trang phục. Trang phục truyền thống của phụ nữ Tày được thể hiện từ khăn vấn đầu, yếm trên ngực cho đến vòng đeo cổ, tà áo, váy.

Khăn vấn đầu của người phụ nữ Tày được làm thành một vòng tròn vừa với đỉnh đầu. Chất liệu của khăn khi xưa được làm bằng vải lụa nhuộm chàm, nhưng hiện nay khăn được khâu bằng vải nhung tạo nên độ mềm, mượt và được độn bằng bông ở giữa. Người phụ nữ Tày búi tóc ra sau rồi đội khăn lên giữa đầu. Khăn vấn đầu có cài thêm họa tiết như những ngôi sao nhỏ có nhiều màu tạo cho khăn thêm rực rỡ và lấp lánh hơn. Nhiều thiếu nữ còn thêm vào một bên khăn chùm tua rua được kết bởi những sợi chỉ nhiều màu. Ngoài vòng khăn tròn, người phụ nữ Tày còn đội khăn vuông màu chàm, khi đội gập chéo giống kiểu khăn mỏ quạ của người Kinh.

Phụ nữ Tày trong trang phục truyền thống.
Phụ nữ Tày trong trang phục truyền thống.

Yếm ngực của phụ nữ Tày được may bằng mảnh vải trắng hoặc vải xanh tươi màu tùy theo độ tuổi. Yếm được may theo hình quả trám có đỉnh nhọn nhô lên ở giữa ngực chạm đến cổ để tạo nên sự kín đáo cho cơ thể người phụ nữ. Yếm có 4 dây, hai dây trên buộc vào sau cổ, hai dây dưới buộc vòng sau lưng tạo sự cân đối, chắc chắn.

Bộ áo của phụ nữ Tày ở các tỉnh vùng cao gồm áo cánh, áo dài năm thân, quần váy (chân váy). Áo cánh là loại bốn thân xẻ ngực, cổ tròn, có hai túi nhỏ phía dưới hai vạt trước, thường được cắt may bằng vải chàm hoặc trắng hay màu xanh sậm tùy thuộc vào độ tuổi của người phụ nữ Tày. Trên thân áo có trang trí những đường thổ cẩm nhỏ dọc theo đường cúc áo trước ngực hoặc ở khe xẻ tà hai bên và đầu cổ tay tạo cho tấm áo thêm rực rỡ trên nền chàm.

Áo dài là bộ trang phục truyền thống được may dài với 5 thân, xẻ nách phải, cài cúc vải hoặc đồng, cổ tròn, ống tay và thân hẹp, có eo. Trước đây, áo dài của phụ nữ Tày thường được may bằng vải nhuộm chàm.

Hiện nay, được cải tiến hơn bằng vải nhung mềm mại, ấm và bóng đẹp hơn. Ở giữa eo được thiết kế thắt lưng bằng vải màu xanh tươi tạo sự cân đối cho áo và cơ thể đồng thời tạo sự nổi bật của màu xanh trên nền chàm. 

Tôn lên vẻ đẹp của váy, áo của phụ nữ Tày còn nhờ vào sự độc đáo của những bộ trang sức. Trang sức phụ nữ Tày đơn giản song có đủ các chủng loại cơ bản như: vòng cổ, vòng tay, vòng chân, xà tích... Có nơi còn đeo túi vải, túi đựng trầu bên hông. Trong đó quan trọng nhất là vòng cổ của người phụ nữ. Đó là một chiếc vòng bạc trắng to được đeo ở cổ, vòng rộng xuống đến 1/4 ngực làm cho cơ thể cân đối và màu trắng của vòng bạc nổi bật trên nền chàm.

    Cái độc đáo đáng quan tâm của trang phục Tày là lối dùng màu chàm phổ biến, đồng nhất trên trang phục nam và nữ cũng như lối mặc áo lót trắng bên trong áo ngoài màu chàm. Nhiều tộc người cũng dùng màu chàm nhưng còn gia công trang trí các màu khác trên trang phục, ở người Tày hầu như các màu ngũ sắc được dùng trong hoa văn mặt chăn hay các tấm thổ cẩm.

Giày của phụ nữ Tày cũng đồng nhất màu với áo và váy. Trước kia giày được khâu bằng vải nhuộm chàm, nhưng hiện nay được khâu bằng vải nhung có thêu hoa văn, đường thổ cẩm nhỏ và những ngôi sao nhỏ nhiều màu.

Dù cuộc sống hiện đại nhưng người phụ nữ sinh ra và lớn lên trong mỗi bản Tày phải may cho mình một bộ trang phục cổ truyền. Nhất là khi thiếu nữ Tày trưởng thành đi lấy chồng thì một bộ trang phục gồm: khăn, vòng, giày và váy áo được cô gái tự tay chọn vải, thêu thùa, trang trí hoàn chỉnh. Hiện nay, người phụ nữ Tày ở các địa phương vẫn giữ được nét riêng trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Hằng ngày, trang phục của họ chủ yếu là khăn vuông mỏ quạ, áo và váy ngắn màu chàm quá đầu gối. Còn áo dài là dành cho những ngày hội, lễ tết, cưới xin và những dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng như: thi ẩm thực, hát then, lễ mừng cơm mới…

Nguyễn Thế Lượng


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.