Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo nghi lễ đón Tết của người Dao

14:48, 20/01/2017

Cũng như một số dân tộc khác, người Dao có phong tục đưa tiễn năm cũ và chào đón năm mới theo cách độc đáo của dân tộc mình.

Sáng sớm ngày 30 Tết, các gia đình người Dao thường dậy sớm, đun nước sôi để làm thịt lợn. Mỗi con lợn được làm sạch sẽ xong đều phải bày trước bàn thờ để cúng tổ tiên, nếu không có thầy cúng cụ thể thì chỉ cần thắp hương lên thờ. Phụ nữ gói bánh chưng và làm bánh dày. Khi luộc bánh chưng, người Dao thường đánh dấu 12 chiếc bánh đầu tiên khi thả vào nồi lần lượt từ 1 đến 12 tượng trưng cho 12 tháng trong năm, quan sát chiếc bánh nào tương đương với tháng đó chìm trước thì coi như tháng đó có mưa nhiều trong năm tới…

Buổi chiều 30 Tết, gia đình người Dao thường cử một người dọn dẹp, quét nhà sạch sẽ với quan niệm quét tất cả những gì tạp uế không tốt của năm cũ bỏ ra ngoài cho ngôi nhà trong sạch để đón chào năm mới nhiều may mắn và tốt đẹp hơn. Riêng gác bếp tuyệt đối không được dùng chổi quét nhà hằng ngày để quét mà phải dùng chổi tre hoặc chổi làm từ cành trúc vì sợ dùng chổi quét nhà thì ngô lúa sẽ sợ hãi và bị lưu lạc năm tới sẽ mất mùa đói kém.

Quét dọn xong, chủ nhà dùng giấy đỏ cắt thành hình chim đang bay lượn, cá đang bơi... Cắt xong, họ bóc tất cả giấy cũ trên bàn thờ và dùng giấy bản dán trước rồi dùng các tờ giấy đỏ vừa cắt dán bên ngoài. Hai bên bàn thờ thường dán hai câu đối bằng chữ Nôm được viết thẳng dọc trên giấy đỏ tươi. Công việc này thường do chủ gia đình làm. Theo quan niệm của người Dao, cắt giấy thành hình con chim, con cá dán trên bàn thờ có ý nghĩa là sự kết hợp giữa các sức mạnh của thiên nhiên (cá tượng trưng cho sức mạnh của biển, chim tượng trưng cho sức mạnh của rừng núi) để giúp đỡ tổ tiên phù hộ cho gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới.

Sau đó, người ta sẽ vớt bánh chưng và giã bánh dày để bày lên bàn thờ, gài hoa mận, hoa đào lên rồi thắp hương. Đầu tiên là thắp trên bàn thờ tổ tiên rồi chuồng trâu, bò, lợn, gà, đồng thời dán các mẩu giấy đỏ trên cửa nhà, cửa chuồng trâu, chuồng lợn, cối đá… nhằm cảm ơn các vị thần đã phù hộ gia đình trong năm cũ và tiếp tục phù hộ cho năm mới, đồng thời việc dán giấy cũng mang tính chất là làm cho mọi thứ sáng sủa, tươi mới hơn trong năm mới.

Xong xuôi mọi việc, cả gia đình sẽ đun nước tắm rửa và chuẩn bị bữa cơm chào đón giao thừa. Bữa cơm trong đêm Giao thừa được coi là ấm cúng nhất trong năm, có mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình. Trong khi ăn uống vui vẻ, các cụ ông, cụ bà bảo ban con cháu những điều hay lẽ phải như phải hòa thuận anh em, kính trên nhường dưới…

Sáng sớm mùng Một, cả nhà dậy sớm để chuẩn bị làm lễ xuất hành đầu năm. Ai cũng thay quần áo mới. Người chủ gia đình (thường là ông nội hoặc bố) là người dẫn đầu cả nhà làm lễ xuất hành, mỗi người mang một thứ dụng cụ lao động như: cày, cuốc, dao, can (hoặc thứ gì có thể đựng nước)... Cả gia đình đi theo đoàn ra khỏi nhà, người chủ gia đình đọc vài câu niệm: “Xuất Đông thuận Đông, xuất Nam thuận Nam, xuất Tây thuận Tây, xuất Bắc thuận Bắc. Hỡi các vị thần sông, thần núi, thần gió… và mong Ngọc Hoàng chứng giám, năm cũ đã qua năm mới đã đến, tôi xin thay mặt dẫn gia đình làm lễ xuất hành, cầu mong các vị thần phù hộ cho gia đình tôi năm mới mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt, gia đình an lành vạn sự như ý…”. Niệm xong, mỗi người thực hiện một công việc phù hợp với dụng cụ của mình. Thường người chủ gia đình đánh trâu hoặc bò ra cày một đường cày trên ruộng hoặc nương bất kỳ rồi dắt trở lại nhốt vào chuồng và nhặt một cục đá đâu đó về nhà để dưới chân bàn thờ với ý nghĩa là mang lộc đầu xuân về nhà, sau đó múc nồi cám được nấu và pha muối chuẩn bị từ tối 30 Tết ra cho trâu bò ăn, việc này có ý nghĩa là trả ơn trâu bò đã vất vả giúp gia đình cày bừa suốt năm cũ và sẵn sàng chuẩn bị cho năm mới. Người cầm cuốc cũng cuốc vài nhát trên nương hoặc ruộng rồi cầm cục đá lấy lộc về để dưới chân bàn thờ, người dùng dao thì chặt 1 - 2 que củi mang về. Đặc biệt, người lấy nước phải mang theo 1 que hương, 1 gói muối nhỏ và ít tiền ma được làm từ giấy bản thường dùng để cúng tế hằng ngày đến mỏ nước thắp que hương chọc vào gói muối cắm xuống gần mỏ nước và giắt ít tiền ma ở gần đó rồi múc ít nước mang về. Việc làm này được gọi là mua nước và cảm ơn vị thần nước đã cung cấp nước cho cả gia đình trong năm cũ và tiếp tục cấp nước cho năm mới. Tốt nhất nên chọn người mệnh Thủy để phụ trách công việc này vì thường người Dao đỏ quan niệm người mệnh Thủy là mệnh nước nên chưng cất rượu sẽ được nhiều rượu hơn và thực hiện công việc mua nước sẽ được thần nước ủng hộ và cung cấp nước dồi dào quanh năm.

Sau khi trở lại, mọi người trong gia đình chuẩn bị bữa sáng. Trước mỗi bữa ăn trong vài ngày đầu năm phải thắp hương trên bàn thờ tổ tiên đến các chuồng gia cầm, gia súc. Ăn sáng xong các bà, các mẹ sẽ dạy các cháu gái, con gái cách thêu thùa; ông nội, bố sẽ dạy cho các cháu trai, con trai học bài, hát hò…

Những nghi lễ đón Tết này được coi là nét văn hoá độc đáo trong đời sống của người Dao được đồng bào gìn giữ từ đời này qua đời khác… 

Bàn Hữu Tài


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.